Chiều ngày 7/1, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2024 và thông tin kế hoạch ngành Công Thương năm 2025.
Bộ Công Thương cho biết đã giao Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, nêu rõ tác động của điều hành giá điện 2 tháng/lần so với quy định 3 tháng điều chỉnh một lần như hiện nay để làm sao tìm ra hướng hợp lý nhất.
Trả lời câu hỏi báo chí xung quanh việc Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần thay vì quy định 3 tháng/lần như hiện nay với cơ sở đề xuất, đánh giá tác động, đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng giải đáp.
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn điều hành giá điện từ 3 tháng xuống 2 tháng/lần là theo lộ trình về việc điều chỉnh giá điện theo thị trường.
Hiện dự thảo đang lấy ý kiến đơn vị, đánh giá tác động để điều chỉnh thời gian điều hành giá điện xuống 2 tháng/lần.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, việc xây dựng Nghị định trên nhằm để thực thi Luật Điện lực sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 11/2024 và sửa đổi theo hướng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh, theo thị trường.
“Bộ giao Cục Điều tiết Điện lực nghiên cứu, nêu rõ tác động của phương án điều hành giá điện 2 tháng so với 3 tháng ra sao. Làm sao tìm ra hướng hợp lý nhất có thể”, ông Tân cho biết.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin ngày 27/12/2024, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh và căn cứ lập, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Đáng chú ý, Bộ đề xuất điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng/lần, kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất thay vì 3 tháng như hiện nay.
Hiện, giá điện đang được điều chỉnh theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Ở dự thảo mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%, với biên độ điều chỉnh được nới rộng từ 2-5%, thay vì 3-5% như hiện nay. Trong khi đó, thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công Thương giữ như hiện nay, đó là khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%. Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.
Cũng tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, thông tin về tình trạng xăng sinh học E5 RON 92 ( 5% ethanon pha với xăng RON 92) đang bị ế, thậm chí nhiều đại lý, doanh nghiệp xăng dầu không bán loại xăng này nữa, điều này khiến chủ trương sử dụng xăng sinh học E5 và sắp tới E10 có thể bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận có tình trạng “xăng E5 có xu hướng tiêu dùng ngày càng giảm”
Theo bà Hiền, nguyên nhân là do giá xăng E5 ít có chênh lệch (giá gần bằng) xăng khoáng RON 95 nên không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó, truyền thông về loại xăng này chưa đạt tới mức người tiêu dùng tin cậy. Người tiêu dùng thích sử dụng xăng RON 95 vì quan niệm chất lượng tốt hơn.
Bà Hiền nhấn mạnh, vừa qua Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị thúc đẩy tiêu thụ xăng E5. Bên cạnh đó, Bộ cũng giao việc tổng kết triển khai việc thực hiện Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ cho Vụ Khoa học và Công nghệ để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét phương án có hay không việc điều chỉnh Quyết định 53.