Cụ thể, yếu tố lãi suất cũng sẽ tác động mạnh lên triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp (nền tảng cơ bản) cũng như về thanh khoản thị trường và xu hướng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân/nước ngoài.
Lãi suất huy động tăng khoảng 5% so với nửa đầu năm, lên mức 9%- 10%/năm (đối với kỳ hạn 12 tháng), khiến chi phí vốn đắt đỏ hơn và vượt ngưỡng “chịu đựng” của các doanh nghiệp niêm yết nếu xem xét trên bình diện chung dựa vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ROIC (khoảng 9,3% tính cho Quý 3/2022). Ngoài hệ lụy từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), mặt bằng lãi suất cao này còn gây ra bởi tình trạng “nghẽn” dòng tiền trong nước.
Vậy khi nào lãi suất hạ nhiệt? FiinGroup đánh giá, trên thị trường quốc tế, lạm phát hiện vẫn khá cao so với mục tiêu và do đó, FED được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023 (hiện tại là 4,33%) cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Ở trong nước, hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện. Như vậy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.
FiinGroup cho biết, một số ngành sẽ gặp áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng cao gồm các nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng, Thép, Điện tử, Thực phẩm, Bán lẻ, Than. Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đang ở mức cao trong khi triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không khả quan, đặc biệt là đối với ngành Bất động sản và Xây dựng.
Tương tự, VNDirect cũng dự báo lãi suất còn chịu áp lực tăng nửa đầu năm 2023. Cụ thể, nhờ có sự can thiệp từ thị trường và hỗ trợ thanh khoản từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh hồi đầu tháng 10. Tuy nhiên, mức lãi suất vẫn là rất cao so với đầu năm 2022 cho thấy áp lực từ lãi suất USD tăng, biến động tỷ giá USD/VND, hạn chế thanh khoản vẫn đang đè nặng lên mặt bằng lãi suất trong nước.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do (1) hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, (2) nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế, và (3) tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Tuy nhiên, VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ (1) áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, (2) lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%, (3) Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 230 điểm cơ bản trong năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các NHTM có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.