Diễn đàn với chủ đề “Phát triển kinh tế vườn bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập”, có đại diện Hội Làm vườn và nông dân 7 tỉnh trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Sơn La).
Nỗi lo tiêu thụ nông sản
Theo các ý kiến tại diễn đàn, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản do nông dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc sản xuất chưa đạt chất lượng cao; cơ cấu phân bổ nguồn cung cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý, chưa có định hướng rõ ràng, chạy theo số lượng mà chưa chăm lo chất lượng của sản phẩm. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, nhất là các sản phẩm lợn, ngô, dưa hấu, chanh đào...
Thương hiệu nông sản còn nhiều bất cập và hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi và thu nhập của bà con nông dân. Gần 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Do đó nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là sự yếu kém, thua thiệt lớn của hàng nông nghiệp xuất khẩu Việt Nam trên thị trường nước ngoài.
Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (giữa) chia sẻ cùng nông dân về việc trồng bưởi Diễn tại vườn cây ở xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La. ảnh: Hà Hoàng
Ông Lò Văn Tiên - nông dân ở TP.Điện Biên (Điện Biên), nêu câu hỏi với các chuyên gia tại diễn đàn: Hiện nay, các nông sản của người nông dân chúng tôi làm ra với số lượng lớn, nhưng đầu ra lại không ổn định, thường bị thương lái o ép về giá cả. Vậy thời gian tới có những chính sách như thế nào giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con?
Trả lời câu hỏi trên, ông Ngô Thế Dân - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Thời gian qua chúng tôi đã tập trung liên kết với các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ nông sản cho bà con. Nguyên nhân gây ra tình trạng không ổn định về giá là do giá cả thị trường thế giới có nhiều biến động, dẫn đến tình trạng cung thừa so với cầu. Bên cạnh đó, bà con ồ ạt mở rộng trồng trọt chăn nuôi dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Do đó bà con, cần tìm hiểu thị trường trước khi mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt.
Hỗ trợ sát sao cho nông dân
Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành với bà con trong giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua kênh thông tin truyền thông nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn của địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế”. Ông Trần Văn Khởi |
Theo đánh giá tại diễn đàn, nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia luôn sát cánh cùng bà con nông dân trong phát triển sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật và mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con trong việc chăm sóc và nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Tổ chức các chuyến tham quan mô hình kiểu mẫu ở nhiều nơi trên cả nước. Giúp bà con nông dân học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và hiểu rõ hơn về cách sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng bền vững, tránh tình trạng trồng trọt, chăn nuôi tràn lan không theo quy hoạch. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con áp dụng kiến thức học hỏi được vào trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương đạt hiệu quả cao hơn, nâng cao thu nhập...
Với việc áp dụng các kiến thức tích lũy qua các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông huyện Mộc Châu, anh Nguyễn Văn Báu (bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La) đã vận dụng vào mô hình xen canh rau cải bắp theo quy trình VietGAP và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay, gia đình anh Báu có 700 gốc mận hậu. Năm 2016 anh thu hoạch được 12 tấn quả, lãi hơn 200 triệu đồng.
Riêng vườn cải bắp anh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận từ năm 2015. Một năm anh Báu trồng 3 lứa cải bắp và 1 lứa su hào, cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Được Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên bao tiêu sản phẩm đầu ra nên thu nhập của gia đình luôn ổn định. Trung bình mỗi năm gia đình anh Báu có lãi hơn 600 triệu đồng...
Từ những ví dụ trên, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng để duy trì sản xuất và tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông sản theo hướng bền vững, cần tiếp tục có những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để củng cố lòng tin, phát triển các tổ hợp tác và các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; huy động vốn và mở rộng quy mô quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất; nhân rộng các hình thức tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ khuyến nông và phát triển kinh doanh liên kết với nông dân và các nhà vườn tạo ra một thị trường hàng hóa nông sản minh bạch.
Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ nông nghiệp mạnh dạn đầu tư, thay đổi tư duy, nhận thức đối với sản xuất nông sản thực phẩm sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường”. /.