Chiến lược sống chung với Covid-19 được áp dụng và tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh là một phần giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021. Dữ liệu vĩ mô trong quý IV cho thấy mô hình phục hồi chữ V được ghi nhận ở hầu hết các khu vực kinh tế, những yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn được duy trì.
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2022, SSI Research đưa ra những dự báo chỉ tiêu vĩ mô năm 2022. Đáng chú ý, GDP dự báo tăng khoảng 6,8 - 7,2%, doanh số bán lẻ dự báo tăng mạnh lên 12,3% so với mức 1,1% trong năm 2021.
Năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI bình quân tăng khoảng 4%.
SSI cho rằng, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021.
Một số dự báo chỉ tiêu vĩ mô trong năm 2022
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).
Đầu tư công là một trong những yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, khi kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022 (bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) ước tính là 630.000 tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch 2021.
Xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng. Trong khi đó, tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ khác như du lịch được kỳ vọng phục hồi khi nền kinh tế được mở cửa toàn diện hơn trong năm 2022.
SSI cho rằng, chính sách tiền tệ/ tài khóa của Việt Nam sẽ lệch pha với xu hướng chung trên thế giới, khi năm 2022 và 2023 được coi là năm hồi phục sau Covid-19. Mặc dù vẫn phải đối mặt với rủi ro lạm phát, việc thận trọng mở cửa trở lại (do biến thể Omicron) có thể giúp làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả chung.
Khối Phân tích nhận định, chỉ số CPI có thể xấu đi từ quý II/2022 và lãi suất chạm đáy trong năm 2022, nhưng xu hướng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế. Theo kịch bản cơ sở của SSI, lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022, và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Báo cáo của SSI cũng đề cập đến điểm nhấn đáng chú ý năm 2022 là sự xuất hiện của gói kích thích kinh tế dự kiến chính thức được thông qua vào ngày 11/1.
Báo cáo của SSI cũng đề cập đến điểm nhấn đáng chú ý năm 2022 là sự xuất hiện của gói kích thích kinh tế
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế, thông qua việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền mặt, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, hoặc hỗ trợ lãi suất, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài SSI Research, trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. ADB nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng.