Watch House là một quán cà phê tại London. Như nhiều quán cà phê khác, bên trong Watch House, những chiếc bánh mì yên vị trên kệ, cam và bơ được đặt trong giỏ, và tại các bàn là các bạn trẻ cùng laptop của mình hoặc các nhóm du khách nước ngoài. Tuy nhiên, Watch House có một điều khác biệt. Từ đầu năm nay, Watch House đã trở thành một quán cà phê không nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Quản lý Emma Burgess của quán cho biết: "80% khách hàng của chúng tôi vốn đã thanh toán bằng thẻ, vì vậy đây là một bước tiến hợp lý." Cấm cửa tiền mặt vừa giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, vừa giúp quán trở nên an toàn hơn. Burgess chia sẻ: "Cuối năm ngoái, chúng tôi phát hiện bốn vụ đột nhập trong vòng hai tháng, những tên trộm nhắm tới tiền của chúng tôi. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy bước tiến của chúng tôi: an ninh."
Và dù các lý do Watch House đưa ra rất hợp lý, nhưng việc cấm cửa tiền mặt lại rất khác biệt. Trái ngược với những dự đoán rằng tiền mặt đã đến ngày tàn, trên thực tế, lượng tiền giấy và xu trên thế giới đang tăng lên. Các nhà kinh tế nghĩ đến nhóm nhân tố gồm lãi suất vay ngân hàng thấp, sự mất lòng tin với các tổ chức tài chính sau khủng hoảng và sự phát triển của một nền kinh tế ít trang trọng hơn.
Hiện nay, có 500 tỉ tờ tiền giấy và hàng nghìn tỉ đồng xu trong lưu thông. Theo một báo cáo mới đây từ G4S, một tổ chức quản lý các hệ thống phân phối tiền mặt, tiền mặt hiện nay chiếm 9,6% tổng GDP toàn cầu, tăng so với mức 8,1% của năm 2011. Do vậy, trong tương lai gần, thật khó để tưởng tượng một nền kinh tế không tiền mặt.
Trong thời đại công nghệ tiên tiến, điều này nghe có vẻ khá lạ lùng. Đương nhiên là có một vài cải tiến tích cực như bitcoin hay các loại tiền số khác. Tuy nhiên, ngay cả trong đế chế tiền điện tử chủ đạo, không ít người trong chúng ta vẫn lo ngại về an ninh dữ liệu, mức độ đáng tin cậy của công nghệ hoặc các nguy cơ vô tình chi tiêu quá mức.
Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, các ứng dụng thanh toán và ví điện tử rõ ràng là cấp tiến hơn so với tiền mặt. Chúng không chứa vi khuẩn. Chúng nhanh chóng và tiện lợi. Và chúng giúp ngăn chặn một số loại tội phạm như trốn thuế hay khủng bố dễ dàng hơn.
Ở thời điểm hiện tại, sáng kiến không tiền mặt của Watch House có thể vẫn còn hiếm lạ. Nhưng tại một số điểm nóng trên thế giới, các nhà hiện đại hoá đã bắt đầu giành ưu thế khi thảo luận về các biện pháp thanh toán số có thể làm lu mờ tiền giấy và tiền xu cổ điển.
Kinh nghiệm phát triển xã hội không tiền mặt của Thụy Điển
Thuỵ Điển là một nhà tiên phong. Vào một ngày tháng tư nắng đẹp, việc mua bán tại các quầy trái cây và hoa tươi trong chợ Hotorget, Stockholm đang được tiến hành nhanh chóng. Dù ở đây, nhiều tiểu thương có thể dễ dàng tránh khỏi bàn tay của các cơ quan thu thuế, nhưng tiền mặt không được sử dụng nhiều. Thay vào đó, người ta mua hoa bằng các máy quẹt thẻ hoặc qua Swish, một ứng dụng phổ biến cho phép bạn thanh toán bằng số điện thoại hoặc mã QR.
Tới thời điểm thống kê gần nhất, tỉ lệ các khoản thanh toán sử dụng tiền mặt tại Thuỵ Điển là 19%, trong khi tỉ lệ trung bình ở châu Âu là 80%. Theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Quốc gia KTH tại Stockholm, tỉ lệ này có thể giảm về không chỉ trong tối đa năm năm. Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển, Riksbank, đang khá lo lắng về vấn đề thời gian, nhưng họ tin rằng một xã hội không tiền mặt là khả thi trong hơn một thập kỉ nữa. Phó thống đốc ngân hàng Cecilia Skingsley cho biết: "Nếu suy đoán từ các xu hướng hiện nay, thì đồng tiền giấy cuối cùng sẽ được trả về Riksbank vào năm 2030."
Việc thiết lập một nền kinh tế giảm tiền mặt được khởi xướng vào hơn 20 năm trước khi các ngân hàng lớn của Thuỵ Điển được giao phó phụ trách tiền mặt và cơ sở hạ tầng thanh toán toàn quốc. Hiện nay, họ đã kết hợp vận hành mạng lưới ATM và ứng dụng Swish. Phó bộ trưởng tài chính Per Bolund cho biết việc loại bỏ dần tiền mặt giúp thu thuế dễ dàng hơn.
Ví dụ, trong năm ngoái, số tiền thuế VAT thu được là 427 tỉ Krona (36 tỉ bảng), tăng thêm gần 30% trong năm năm. Ông cho biết: "Các khoản thanh toán đã tăng lên rất nhiều, một phần là nhờ nền kinh tế số hoá. Giấu tiền mặt dưới quầy đã trở nên khó khăn hơn."
Và đương nhiên, điều này cũng rất tiện lợi cho khách hàng. Đây đã trở thành một hiện tượng của những người trẻ tuổi, ít nhất là tại Stockholm. Kerstin Warnquist, một người mua hàng 71 tuổi, cho biết bà đã không dùng tiền giấy và xu để mua hàng trong một tháng; thay vào đó, bà sử dụng thẻ và Swish.
Bản thân các ngân hàng cũng dần hạn chế dùng tiền mặt. Tại quốc gia với gần 10 triệu dân số này, ba ngân hàng lớn chỉ có 25 chi nhánh trên toàn quốc có giao dịch tiền mặt, chiếm 5% trong mạng lưới chi nhánh.
Một phần lí do là nhằm giảm bớt nguy cơ mất cắp. Tuy nhiên, việc dần loại bỏ tiền giấy và xu có thể khiến một số cá nhân dễ bị tấn công, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người cao tuổi, khuyết tật và vô gia cư, những người vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt.
Một số người trẻ cũng cảm thấy bị đe doạ. Một số thiếu niên cho biết lý do họ không còn mang theo tiền mặt là bởi họ thường xuyên bị mất cắp. Tỉ lệ trộm cắp cá nhân ở Thuỵ Điển khá thấp so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiênm theo Bra, cơ quan thống kê tội phạm Thuỵ Điển tỉ lệ các vụ trộm cắp đã tăng gấp đôi từ năm 2014 tới 2016, từ 0,7% lên 1,4% tổng dân số. Với nhiều người, những bằng chứng này càng củng cố thêm cho quan điểm xây dựng một xã hội không tiền mặt.
Châu Âu bỏ đồng 500 euro vì khủng bố
Trên thế giới, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang cố gắng giảm dần sự lệ thuộc vào tiền mặt của người dân. Tại Hàn Quốc, một quốc gia mà tiền điện tử ngày càng quan trọng giống như Thuỵ Điển, ngân hàng trung ương đã đặt ra mục tiêu xoá bỏ tiền xu vào năm 2020. Ngoài ra, tại Ireland và một số khu vực ở bắc Âu, lượng rút tiền có mệnh giá nhỏ đã giảm thiểu.
Trong một buổi tư vấn chính phủ Anh Quốc, một câu hỏi đã được nêu ra, đó là liệu đồng 1 xu, 2 xu hay tờ tiền giấy 50 bảng có còn có giá trị sử dụng. Tại Trung Quốc, các công ty công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tiền số tới những người trẻ sinh sống tại các đô thị. Bên cạnh đó, chính phủ các nước châu Phi và châu Á khác đã bắt tay với các công ty để giúp người dân tiếp cận tài chính.
Một trong những bước quan trọng đầu tiên thúc đẩy loại bỏ tiền mặt ở khu vực đồng euro là chủ nghĩa khủng bố. Vào 9:40 tối ngày 13/11/2015, ba người đàn ông bịt mặt đã tấn công rạp hát Bataclan tại Paris và giết chết 89 con tin. Trước đó, một nhóm khủng bố IS đã hành quyết hàng chục người tại một sân vận động và trên đường phố. Đó là ngày khủng khiếp nhất đối với nước Pháp kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ít ai biết rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đồng 500 euro bị khai tử.
Peter Sands, một cựu nhân viên ngân hàng và hiện là một học giả tại Harvard, đã nghiên cứu vai trò của các đồng tiền mệnh giá lớn trong các vụ phạm tội có tổ chức và khủng bố tài chính. Một tháng sau vụ tấn công, ông được mời tới Pháp để gặp bộ trưởng tài chính Michel Sapin, người muốn biết rằng liệu dừng phát hành đồng 500 euro có giúp hạn chế khủng bố.
Sands giải thích: "Mua bán thuốc phiện là động cơ lớn nhất trong các dòng giao dịch tài chính phi pháp và là nguồn tài trợ chính cho các nhóm khủng bố. Và mục tiêu cuối cùng của mua bán thuốc phiện luôn là tiền mặt ở một điểm nào đó trong chuỗi." Mang theo những đồng tiền mệnh giá cao, bạn sẽ không cần tới những chiếc va li đựng tiền to và khó bị bắt hơn. Loại bỏ chúng cũng không ảnh hưởng gì.
Những đồng tiền mệnh giá cao, đặc biệt là đồng 500 euro, là biểu tượng cho niềm tự hào. Tuy nhiên, tới tháng hai, Sapin đã thành công thuyết phục Hội đồng Bộ trưởng châu Âu dừng phát hành đồng 500 euro. Và chỉ trong vài tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã loại bỏ đồng tiền này bởi họ tin rằng những đồng tiền mệnh giá lớn chủ yếu chỉ sử dụng phục vụ tội phạm và trốn thuế. Liệu đây có phải là khởi đầu cho ngày tàn của tiền mặt tại khu vực đồng euro?
Những biện pháp cấp tiến ở các nền kinh tế mới nổi cho thấy mức độ phức tạp khi loại bỏ tiền mặt. Vào tháng 11/2016, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai tử hai đồng tiền giấy phổ biến nhất Ấn Độ, đồng 500 rupee và 1.000 rupee, mà không thông báo trước. Động thái này của ông là nhằm giảm thiểu tỉ lệ tội phạm, tăng lượng thu thuế và thúc đẩy người dân dùng các biện pháp thanh toán hiện đại hơn.
Động thái này đã thành công khi giúp tăng lượng thu thuế thu nhập cá nhân lên hơn 40%, nhưng những tác dụng phụ của nó lại vô cùng khắc nghiệt. Tới giữa năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống dưới mức thấp nhất trong vòng ba năm. Xu hướng thanh toán điện tử cũng gây nhiều thất vọng. Việc sử dụng thẻ ghi nợ và ví số trên điện thoại thông minh tăng lên nhanh chóng những cũng sụt giảm nhanh bởi nguồn cung tiền mặt tăng trở lại.
Một vấn đề lớn là tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết tại các vùng nông thôn, cản trở lịch trình phổ biến các quy trình tài chính phức tạp hơn tới đại chúng.Các nhà phê bình cho rằng toàn bộ quá trình không được xem xét kỹ. Đây là một hành động bột phát thay vì một chiến lược được cân nhắc kỹ càng.
Bốn năm trước tại Nigeria, Mastercard bắt tay cùng chính phủ để thiết lập các cơ sở hạ tầng thanh toán với tham vọng tạo ra một loại chứng minh nhân dân mới có tiềm năng đưa Ấn Độ trở thành một nền kinh tế chính thống. Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ 1,5 triệu thẻ được phát hành.
Ngay cả ở Kenya, nơi dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại di động M-Pesa đã giúp tăng trưởng kinh tế và giảm tình trạng nghèo đói, thì bạn vẫn cần đổi tiền mặt để mua sắm tại các cửa hàng địa phương.