Thời gian qua, bảo hiểm Corona trở thành sản phẩm "hot" trên thị trường khi dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới và chưa có dấu hiệu dừng. Chưa khi nào người dân Việt Nam và thế giới lại quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình như lúc này. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) "ăn theo" tung ra các gói bảo hiểm Corona với mức phí và quyền lợi cạnh tranh như Viễn Đông, Manulife, VBI, PVI, MIC, PTI, VNI, BSH…
Trước tình trạng dịch bệnh căng thẳng, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các DN kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.
Được biết, trước khi Thủ tướng có chỉ đạo dừng triển khai gói bảo hiểm Covid, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cũng đã có công văn “nhắc” các công ty bảo hiểm tránh gây hiểu lầm khi giới thiệu quyền lợi bảo hiểm COVID-19.
Bởi, theo cơ quan này, tại Điều 48 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, đã quy định những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được khám và điều trị miễn phí.
Đáng chú ý, theo một chuyên gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng kháng như thảm họa, chiến tranh, khủng bố, đại dịch…Trong khi, WHO đã tuyên bố bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố đó là dịch toàn quốc. Như vậy những rủi ro do Covid-19 sẽ được xem là “Loại trừ bảo hiểm”. Khi đó các công ty bảo hiểm đã thu phí sản phẩm liên quan đến Covid-19 hoàn toàn có quyền từ chối bồi thường đối với các tử vong, tai nạn, hậu quả do Covid-19 gây ra…
Trả lời Tiền phong về việc tại sao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã có công văn nhắc các công ty bảo hiểm nhưng họ vẫn đua nhau tung ra các gói liên quan tới dịch bệnh COVID-19, các DN đó đã xin phép Cục chưa? Việc kiểm tra, xử phạt các DN sai phạm ra sao? Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền cho hay: “Chỉ khi nào họ báo cáo, xin phép Cục phê chuẩn thì chúng tôi mới biết và cấp phép cho họ”.
Cũng theo ông Huyền, gói bảo hiểm sức khỏe liên quan tới COVID-19 có 2 mảng, gồm nhân thọ và phi nhân thọ. Với mảng bảo hiểm nhân thọ, các DN thường bán kèm gói COVID-19 với các gói bảo hiểm mà khách hàng đã mua, không thu thêm phí.
“Riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ có mấy loại, chẳng hạn loại bảo hiểm theo dịch bệnh thì có sản phẩm loại trừ, có sản phẩm lại bao gồm cả trường hợp mắc dịch bệnh. Trường hợp thứ hai của bảo hiểm phi nhân thọ là khi có dịch bệnh thì họ bổ sung, mở rộng thêm quyền lợi cho khách hàng mà không thu phí. Ba là, gói bảo hiểm đăng ký mới cho COVID-19. Chẳng hạn như gói bảo hiểm Corona++ của PVI là có thu phí”, ông Huyền cho biết.
Vậy gói Corona++ của PVI có đăng kí với Cục chưa? Ông Huyền cho rằng, cần phải xem lại họ bán theo sản phẩm nào, vì mục sức khỏe có rất nhiều kênh, hiện ông chưa thể nắm hết.
Cũng theo ông Huyền, sau khi Thủ tướng chỉ đạo, cục và Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu tất cả các DN bảo hiểm rút lại gói liên quan COVID-19. Với những gói đã triển khai, khách hàng vẫn phải được trả quyền lợi theo hợp đồng hai bên đã ký kết.
Trước ý kiến cho rằng, các DN bảo hiểm đua nhau tung gói bảo hiểm để trục lợi, chứ chưa chắc khách hàng đã có thể nhận được chi trả nếu không may bị dính COVID-19, vị đại diện cục bảo hiểm này đã nhấn mạnh: “Chả có gì trục lợi ở đây cả. Trong hợp đồng bảo hiểm cũng đã nói rõ các điều kiện để được chi trả nếu khách hàng mắc COVID-19. Hai bên thỏa thuận dân sự, nắm rõ rồi mới ký hợp đồng”.
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc bảo hiểm, các công ty bảo hiểm chỉ có thể thiết kế sản phẩm bảo hiểm khi biết rõ thống kê về rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, tới nay chưa thể có con số thống kê xác đáng để biết tỷ lệ rủi ro về dương tính, tỷ lệ rủi ro về tử vong do COVID-19 gây ra. Do đó, việc các công ty bảo hiểm vẫn đua nhau tung ra các gói bảo hiểm Covid-19 có thể dẫn tới rủi ro rất lớn.