Quy định xong rồi để đó
Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định rõ, chủ sở hữu chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung. Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ, bắt buộc đối với phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.
Chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ và công khai mức thu; thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư… Song các chủ đầu tư không mấy khi quan tâm tới việc này. Thực tế, có rất nhiều chủ đầu tư và người mua chung cư chưa mua bảo hiểm.
Nghị định 23/2018/NĐ-CP Chính phủ ban hành mới đây có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 một lần nữa quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư. Theo quy định trong nghị định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ,
Trong Nghị định này có nhiều điểm mới đã nêu rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp công trình chưa nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy, không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, biên bản kiểm tra đã quá hạn 1 năm... Nhiều chuyên gia lo ngại, tình hình sẽ lặp lại khi cả chủ đầu tư và người dân đều không có ý thức mua bảo hiểm này.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, hiện, hầu như các chung cư chưa mua bảo hiểm do đơn vị quản lý và người dân một phần vì sợ tốn kém, một phần chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng khi các sự cố cháy nổ xảy ra. Trong khi đó, Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại quy định: Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định, mua không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành sẽ bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa chủ đầu tư và người dân nào bị phạt vì không mua bảo hiểm.
Còn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, nguyên nhân khiến các quy định này không đi vào cuộc sống là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, đơn vị quản lý và người dân một phần vì sợ tốn kém, phần vì chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Thờ ơ với quyền lợi của mình
Khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ, không ít đơn vị chủ sở hữu, quản lý nhà chung cư dù biết nhưng “phớt lờ” vì cho rằng, các tòa nhà đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng (phần khung của tòa nhà) còn phần diện tích trong khu nhà, người dân phải tự mua. Trong khi đó, người dân thì tỏ ra khá mơ hồ về việc này.
Chị Bích Hằng, sinh sống tại một chung cư quận Hà Đông cho hay, chị không biết có quy định việc mua bảo hiểm cháy nổ chung cư. Hiện, chung cư nhà chị đã được đầu tư với hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại nhưng không ai có thể chắc chắn nguy cơ cháy nổ không xảy ra. “Tôi nghĩ, trách nhiệm mua phí bảo hiểm nên quy về một mối và nên yêu cầu bắt buộc, là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ thì mới khả thi, còn trông chờ vào việc mua tự nguyện, tôi e là rất khó”, Chị Hằng nói.
Trong khi đó, theo thống kê từ Cảnh sát PCCC Hà Nội, trên địa bàn thủ đô đã phát hiện 79 khu chung cư vi phạm về các quy định PCCC (tính đến ngày 31/5/2017). Trong 79 công trình chỉ có một công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC. Còn lại có tới 78 chung cư cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tính đến tháng 10 cùng năm, chỉ có 21 trường hợp chung cư vi phạm tự khắc phục còn 68 trường hợp chưa khắc phục. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng đã kiểm tra và xử lý 4 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC, bao gồm: Tòa nhà Capital Garden của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Ngõ 102 Trường Chinh), Tòa C - Chung cư và dịch vụ Star Tower của Công ty Cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam - VIDEC (Số 283 Khương Trung), Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV- VINAPHARM của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex –PVC (Số 60 Nguyễn Huy Tưởng), Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội Sông Hồng (số 4 Chính Kinh, Thanh Xuân).
Việc các chủ đầu tư đã bị cảnh sát PCCC “tuýt còi” nhưng vẫn “phớt lờ” trước chế tài xử lý vi phạm đã khiến cuộc sống của những cư dân tại các căn hộ chung cư tiếp tục phải đối mặt với tình trạng mất an toàn.
Đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, hầu hết các nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội chưa mua bảo hiểm cháy nổ vì họ cho rằng, việc thu phí bảo trì của các hộ dân đã khó, nói gì đến bảo hiểm cháy nổ, hơn nữa, nếu thu sau khi đã bán nhà thì đại đa số người dân không đồng tình. Cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm này.