Khẳng định độc lập với công ty bảo hiểm liên quan đến Trương Mỹ Lan
Mới đây cái tên bảo hiểm FWD xuất hiện trong vụ án Vạn Thịnh Phát khi 82% phần vốn góp của Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam xuất hiện trong các tài sản kê biên liên quan đến vụ án. Từ đây xuất hiện những thông tin nhầm lẫn trên thị trường giữa Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam khi có tên và nhận diện thương hiệu tương đồng nhau.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam là công ty con thuộc 100% sở hữu của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWWD (Bermuda), thuộc tập đoàn FWD.
Còn tiền thân của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank- Cardif. Đến năm 2020, công ty này được chuyển nhượng cho Tập đoàn FWD và đổi tên. Giai đoạn này, Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam do ông ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD (Bermuda) sở hữu 100% và có cùng công ty mẹ với Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam.
Tuy nhiên, thông tin từ Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết, vào ngày 14/03/2022, việc chuyển đổi quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của Bảo hiểm FWD Việt Nam sang một nhóm các nhà đầu tư đã được Bộ Tài chính chấp thuận về mặt nguyên tắc. Tính đến ngày 14/03/2022, việc chuyển đổi sở hữu vốn đã được hoàn tất. Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam) đang báo cáo đến Bộ Tài chính việc hoàn tất giao dịch để tiến hành điều chỉnh giấy phép hoạt động theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên đến nay, giấy phép vẫn chưa được điều chỉnh chính thức.
Mới đây, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã lên tiếng khẳng định: "Công ty chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập với Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam".
Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam kinh doanh thế nào ở Việt Nam?
Trực thuộc Tập đoàn FWD với tiềm lực tài chính mạnh song Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam) liên tục báo lỗ trong nhiều năm nay. Báo cáo tài chính của FWD Việt Nam cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm này đã lỗ ròng rã liên tục nhiều năm, chỉ đến năm 2023 mới có lợi nhuận dương.
Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí bán hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động của FWD Việt Nam. Năm 2022, FWD lỗ ròng hơn 1.683 tỷ đồng, khoản lỗ lớn nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Năm 2022, dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.996 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước, tuy nhiên việc chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng vọt lên đến hơn 2.000 tỷ đồng (năm trước chiếm 953 tỷ đồng). Các khoản chi hoa hồng bảo hiểm cũng tăng khiến chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chiếm đến 3.419 tỷ đồng. Do đó khoản lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng không đủ để chi trả cho các khoản chi phí khác, dẫn đến việc thua lỗ.
Tuy nhiên đến năm 2023, các khoản chi phí đều được cắt giảm đáng kể. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã giảm 30% so với năm trước, trong đó, chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm giảm 23%, chi hoa hồng bảo hiểm giảm 41%.
Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính tăng 46% lên 696 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm hơn 50%. Nhờ đó, FWD ghi nhận một năm làm ăn có lãi sau nhiều năm dài thua lỗ.
Dù vậy, hiện khoản lỗ lũy kế ghi nhận trên báo cáo tài chính vẫn còn hơn 6.091 tỷ đồng.
Thua lỗ triền miên nhưng vốn chủ sở hữu của FWD vẫn tăng đều đặn. Cuối năm 2023, vốn đầu tư của chủ sở hữu lại tiếp tục tăng từ 18.546 tỷ đồng hồi đầu năm lên 19.102 tỷ đồng. Giai đoạn tăng mạnh nhất là 2020 khi vốn điều lệ tăng vọt từ 3.675 tỷ đồng lên 15.174 tỷ, tức tăng gấp 4 lần. Trong nhiều năm, vốn chủ sở hữu của FWD Việt Nam luôn trong tình trạng cao hơn tổng tài sản của cả doanh nghiệp.
Nợ phải trả cuối năm 2023 ở mức 6.507 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ. Doanh nghiệp bảo hiểm này không có nợ vay ngân hàng.
Báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy, tổng tài sản của FWD Việt Nam đạt 19.561 tỷ đồng cuối năm 2023, tăng 7% so với 2022. Trong đó các khoản đầu tư ngắn hạn chiếm 4.599 tỷ đồng, đầu tư dài hạn chiếm 5.892 tỷ đồng.
FWD dùng phần lớn tài sản đi gửi ngân hàng và đầu tư vào trái phiếu. Cụ thể, ở các khoản đầu tư ngắn hạn 4.599 tỷ đồng, FWD Việt Nam có 4.008 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn, 438 tỷ đồng là các khoản đầu tư thuộc quỹ liên kết đơn vị, trong đó có một phần nhỏ là tiền gửi, hơn 262,8 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết là 143 tỷ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Còn ở khoản mục 5.892 tỷ đồng đầu tư dài hạn, FWD Việt Nam cũng đưa 3.336 tỷ đồng đi gửi ngân hàng có kỳ hạn (hơn 1 năm), 2556 tỷ đồng là đầu tư trái phiếu bao gồm 816 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ & Chính phủ bảo lãnh (có thời hạn từ 7-30 năm) và 1.740 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (thời hạn từ 5-15 năm).
Đồng thời, phần lớn tiền và các khoản tương đương tiền của FWD Việt Nam cũng được gửi trong ngân hàng.