Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2018, doanh thu của toàn ngành bảo hiểm đạt khoảng 133,7 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017, trong đó doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 88 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8%, còn bảo hiểm phi nhân thọ đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%. Tỷ lệ xâm lấn của bảo hiểm ở thị trường Việt Nam còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực ASEAN (3,19%) và thấp hơn rất nhiều so với một số nước phát triển như Thái Lan, Malaysia, Singapore (15%).
Phát biểu tại đại hội cổ đông của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cuối tuần qua, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển từ năm 1965, đến nay đã có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoạt động, cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường, an sinh xã hội. Tổng doanh thu năm 2018 tăng trưởng 24% - duy trì tốc độ cao trong nhiều năm liên tiếp.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết thêm, bảo hiểm hiện nay mới chiếm 2,9% GDP - là mức rất thấp, trong khi các nước là hơn 6%. Tỷ lệ người Việt tham gia bảo hiểm nhân thọ mới chiếm gần 10% dân số trong khi các nước phát triển là 70 - 80%, còn bảo hiểm phi nhân thọ được thị trường ủng hộ song vẫn phát triển chưa tương xứng. Đó là những yếu tố cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng.
Riêng về bảo hiểm phi nhân thọ, ông Gia Anh cho biết, hiện nhà nước đang khuyến khích phát triển các mảng bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm kỹ thuật, tài sản công...do đó nếu doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thì sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới.
Trước đó nhiều ý kiến cũng chung nhận định rằng, với dân số khoảng 97 triệu người hiện nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường rất triển vọng. Hơn nữa, thu nhập và đời sống của người dân ngày càng tăng lên nên nhu cầu với bảo hiểm cũng sẽ cao hơn. Tiềm năng lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam thể hiện qua việc các công ty bảo hiểm lớn đều đã có đối tác chiến lược nước ngoài như Sumitiomo của BVH, HDI Global SE (Talanx sở hữu 100%) của PVI, Samsung Fire and Marine Insurance của PJICO, DongBu của PTI, Fairfax của BIC, Metlife của BIDV hoặc AXA của BMI.
Riêng năm 2019, với dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,6% nên thị trường bảo hiểm cũng có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa. Hiệp hội Bảo hiểm đã đặt mục tiêu toàn thị trường tăng trưởng 25% trong đó bảo hiểm phi nhân thọ tăng 35% còn phi nhân thọ tăng 10%.
Về hoạt động của các doanh nghiệp, nếu như trước đây đơn vị nào cũng đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm như xe cơ giới, thì đến năm vừa qua đã chững lại. Nguyên nhân theo các doanh nghiệp là bởi chi phí bồi thường khá lớn, khiến cho đơn vị nào bán càng mạnh thì càng bị thua lỗ. Thay vào đó, các công ty đẩy mạnh sản phẩm về con người, kỹ thuật, tài sản...và xu hướng này vẫn được duy trì trong năm 2019.
Ngoài cơ cấu lại sản phẩm và danh mục đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết họ cũng sẽ đẩy mạnh liên kết với các ngân hàng để bán sản phẩm (kênh Banca). Chẳng hạn như Bảo hiểm Quân đội cho biết sẽ liên kết với các ngân hàng lớn, ngoài ngân hàng mẹ MB thì còn có Techcombank, ACB, SHB...Hay các ngân hàng như BIDV, VPBank, Vietcombank, PGBank...cũng đang được các công ty bảo hiểm "nhờ cậy".