Bài viết trên The Jakarta Post nói: "Trước hết, chúng ta hãy ca ngợi các vận động viên của chúng ta (Indonesia) vì sự quyết tâm của họ trong Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 30 vừa diễn ra tại Philippines, mang về 72 huy chương vàng, 84 bạc và 111 đồng.
Chúng ta đã thấy Edgar Xavier Marvelo, một trong những ngôi sao wushu của Indonesia, đã phải chiến đấu quật cường sau khi nghe tin cha mất, nhưng đã giành được huy chương vàng. Edgar dành một cặp huy chương vàng cho Indonesia, và cho người cha quá cố của mình.
Chúng ta cũng cần vinh danh đội hỗ trợ các vận động viên. Tất cả các huấn luyện viên, các liên đoàn thể thao, Hội đồng thể thao quốc gia (KONI), Ủy ban Olympic quốc gia Indonesia (NOC) và Bộ Thanh niên và Thể thao đã đóng góp rất lớn vào thành tích của các vận động viên.
Mặc dù không hoàn thành kỳ vọng của Tổng thống Joko Widodo về kết quả chung cuộc, bộ sưu tập huy chương của chúng ta đã vượt xa kỳ tích của chúng ta trong các kỳ Đại hội thể th ao Đông Nam Á trước đó tại Kuala Lumpur. Hai năm trước, Indonesia rơi vào thành tích tồi tệ nhất với chỉ 38 huy chương vàng,về thứ năm. Do đó, cũng không sai nói rằng đội tuyển quốc gia đã cho thấy sự cải thiện trong các trận đấu gần đây nhất của SEA Games".
Tuy nhiên, có một sự thực là thể hiện của Indonesia tại Đại hội thể thao này trong vài thập kỷ qua, ngoại trừ khi họ là chủ nhà, thì chưa thực sự tốt, The Jakarta Post nhận định.
Luật hệ thống thể thao quốc gia Indonesia năm 2005 quy định rằng hệ thống thể thao quốc gia phải được xây dựng dựa trên chế độ phát triển vận động viên, bắt nguồn từ việc tuyển chọn nghiêm ngặt. "Không có gì sai với luật, nhưng như mọi khi, vấn đề nằm ở việc thực hiện nó" - Dicky Christanto - Nhà báo thể thao tại The Jakarta Post đánh giá.
Đã có một điệp khúc than thở về việc không có những cải tiến đáng kể trong hệ thống thể thao quốc gia. Việc coi tiền và sức mạnh như một công thức để điều hành một liên đoàn thể thao vẫn được áp dụng.
Các liên đoàn thể thao Indonesia vẫn tiếp tục dựa vào những "bàn tay" mạnh mẽ và vững chắc, cả về tài chính và chính trị, nếu họ muốn tạo ra những vận động viên thành công. Kết quả là, các vận động viên trong một số môn thể thao nhất định nhận được sự đối xử và đào tạo tốt, trong khi nhiều người khác thì không.
"Hay nói một cách đơn giản hơn, Indonesia nên nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, luôn đạt thành tích cao và từng thống trị nhiều năm trong SEA Games, hay Việt Nam, đã nổi lên như một ứng cử viên nặng ký trong các sự kiện thể thao khu vực. Thành thật mà nói, hãy nhìn sang Việt Nam và Thái Lan để thấy thế nào là chính sách thể thao tốt!
Năm nay, Việt Nam đứng thứ hai chung cuộc, với 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng. Họ đã xuất sắc vượt qua Thái Lan, 92 huy chương vàng, 103 huy chương bạc và 123 huy chương đồng cho vị trí thứ ba. Hai quốc gia láng giềng này đã thể hiện sức mạnh trong hầu hết các bộ môn góp mặt vào Thế vận hội. Thành tích của họ, là minh chứng cho các chương trình đào tạo hiệu quả, cho phép vận động viên của họ thể hiện tốt nhất.
Nếu cần thiết, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Zainudin Amali có thể học hỏi từ các cơ quan thể thao của cả hai nước này, quan sát tỉ mỉ từng bước họ đã thực hiện và xem xét chi tiết kế hoạch đào tạo và kế hoạch tài trợ của họ" - Dicky Christanto viết.
Ông Zainudin có thể dành một vài tuần cho một chuyến đi nghiên cứu so sánh, và sau khi về nước, ông có thể chuẩn bị một bài thuyết trình chiến lược của mình để giúp Indonesia lấy lại vinh quang trong Đại hội hội thể thao khu vực. Cùng với hỗ trợ chính trị từ Hạ viện là chìa khóa, vì chiến lược sẽ liên quan đến ngân sách nhà nước, tranh luận công khai là bắt buộc để tìm ra mô hình phát triển thể thao quốc gia tốt nhất.
Bộ Thể thao không thể thay đổi chỉ trong một đêm, hoặc làm tất cả một mình. Bộ có thể mất tới một năm, hoặc lâu hơn nữa. Họ sẽ cần hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Văn hóa và nhiều tổ chức khác để đưa ra một chiến lược lớn, bao gồm cả cơ chế giám sát và đánh giá.