Phục hồi sau khủng hoảng
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh ghi nhận những chỉ số tăng trưởng tích cực. Sản lượng vận tải biển hơn 12,28 triệu tấn, đạt hơn 57% kế hoạch; Hàng thông qua cảng đạt hơn 41,4 triệu tấn, đạt 43% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 6.650 tỷ đồng với lợi nhuận công ty mẹ là 73 tỷ đồng.
Sau thời gian đăng ký nhà đầu tư chiến lược kết thúc (12/7), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hiện đang rà soát hồ sơ và tổng hợp danh sách các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần trình Ban chỉ đạo báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định phê duyệt. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện sẽ được thực hiện trước khi tổ chức bán đấu giá cổ phần công khai ra công chúng (dự kiến quý III/2018). Được biết, trước thời điểm phương án CPH được Thủ tướng phê duyệt, Vinalines đã nhận được sự quan tâm lớn của các tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Thái Lan. Trong đó, Hyundai Motor đã gửi một bức thư chính thức tới Vinalines với mong muốn tham gia vào đợt CPH. |
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines, kết quả trên không chỉ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Vinalines sau thời kỳ khủng hoảng, còn khẳng định vị thế và sự tín nhiệm của tổng công ty đối với các nhà đầu tư chiến lược trên con đường CPH. Tuy vậy, lĩnh vực hàng hải vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức lớn.Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho rằng, so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 là 668 tỷ đồng, con số 73 tỷ đồng Vinalines đạt được trong 6 tháng đầu năm có vẻ “hơi mỏng”. “Tuy nhiên, mức lợi nhuận không cao là do Vinalines đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, đồng thời, phải xử lý tài chính trước khi chuyển sang CTCP, dự kiến vào cuối năm 2018”, ông Hải nói.
“Thị trường vận tải biển đã ổn định nhưng giá cước và cho thuê tàu vẫn ở mức thấp. Các chủ tàu tư nhân trong nước đã tận dụng việc đầu tư được tàu giá thấp để đầu tư các nhóm tàu phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, gia tăng sức cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường nội địa trên các phân khúc tàu. Bên cạnh đó, việc di dời các cảng biển như: Hải Phòng, Sài Gòn theo kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương đã ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng, giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng”, ông Tĩnh nói và lo ngại, khi xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với các doanh nghiệp (DN) cảng biển hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, làm ảnh hưởng đến thị phần của các DN dịch vụ hàng hải trong nước.
Tổng dư nợ giảm 78% nhờ tái cơ cấu
Đề cập tới vấn đề tái cơ cấu, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, 6 tháng đầu năm, cùng với việc tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty đã được Thủ tướng chính thức phê duyệt vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Vinalines còn khẩn trương thực hiện công tác thoái vốn tại 3 DN: Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam, Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài, Công ty CP Vận tải biển Hải Âu.
“Vinalines cũng được phê duyệt kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại cảng Hải Phòng từ 92,56% xuống 65% và tại cảng Đà Nẵng từ 75% xuống 65% để gia tăng nguồn vốn phục vụ mục đích kinh doanh”, ông Tĩnh nói và cho biết, việc thoái vốn còn được xác định là chiến lược giúp Vinalines lôi kéo mối quan tâm của các nhà đầu tư qua việc đề xuất những cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực khai thác cảng biển và đưa ra những lời đề nghị nắm giữ những vị trí điều hành quan trọng của tổng công ty.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, điểm đáng chú ý nhất trong năm 2018 là việc Công ty mẹ - Tổng công ty đã xử lý giảm nợ được 109 tỷ đồng. Tổng dư nợ hiện tại chỉ còn 2.559 tỷ đồng (giảm 78% so với thời điểm trước tái cơ cấu năm 2014). “Ngoài ra, Vinalines vẫn tăng cường xử lý những tài sản gây thua lỗ với việc tiếp tục thực hiện bán 3 tàu kinh doanh kém hiệu quả. Đội tàu của đơn vị hiện chỉ còn 81 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,73 triệu tấn (giảm 50% trọng tải đội tàu trước thời điểm tái cơ cấu)”, ông Hải thông tin.