CEO Wefit Khôi Nguyễn từng chia sẻ 4 tư thế "chết" khi khởi nghiệp thuở còn thơ ngây, và hiện Wefit (hiện đổi tên thành WeWow) đang đối mặt với tư thế "chết" thứ 5 – bài toán dòng tiền.
Khi mọi người hối hả quay trở lại nhịp công việc sau Tết dương lịch, bộ phận chăm sóc khách hàng của Wefit biên lời tâm sự đầu năm, chia sẻ về những khó khăn mà startup này đang vấp phải trong vận hành sản phẩm và quản trị tài chính.
"Thực tế, trong giai đoạn nửa cuối năm vừa qua, WeWow đã gặp khá nhiều trở ngại trong quá trình vận hành sản phẩm và quản trị tài chính. Khó khăn là vấn đề thường thấy trong startup và lần này thực sự phần lớn lỗi đến từ đội ngũ điều hành của WeWow. Điều này đã khiến chúng tôi chưa thể mang đến những dịch vụ tốt nhất đến quý khách hàng và đối tác - những người đã luôn đồng hành, theo dõi và ủng hộ WeWow. Bởi vậy, chúng tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến toàn thể quý khách hàng và đối tác", Wefit tâm sự.
Tuy nhiên, giông bão có vẻ chưa ngừng với startup này.
Một startup nền tảng cần cân đối giữa khách hàng (end users) và doanh nghiệp bán hàng (merchants). Nhưng hiện Wefit đang gặp khủng hoảng với cả 2 đối tượng này. Hiện không chỉ spa, phòng tập tố nợ đọng, ngừng liên kết mà ngay cả đến khách hàng cũng đang phàn nàn rất nhiều về cách vận hành cũng như chăm sóc khách hàng của Wefit.
P.T – một khách hàng mua gói tập Wefit từ 30/9 cho biết: Thời gian đầu sử dụng Wefit rất OK, với số buổi tập không giới hạn ở các phòng tập.
Đến tháng 12/2019, số buổi tập của khách VIP mua gói tập gần 2 năm này đã giảm từ "không giới hạn" siết dần xuống 25 buổi/tháng, và mới đây nhất là còn 10 buổi/tháng/phòng tập.
Đến 13/1, phòng tập quen của cô là Hương Anh ngừng liên kết với Wefit.
Gói tập của T. có giá 9,2 triệu đồng, với thời gian tổng là 22 tháng (gói 18 tháng tặng thêm 4 tháng). Do bất tiện trong chuyển đổi phòng tập, T. yêu cầu được hoàn tiền nhưng cô cho biết phía Wefit không có phản hồi gì.
Trên fanpage chính thức của Wefit, nhiều khách hàng cũng phàn nàn khi rất nhiều phòng tập ngưng hợp tác với startup này.
Một số khách hàng còn dùng từ "lừa đảo" khi không thể đi tập 1 tháng nay, vì nhiều phòng tập ngưng liên kết với Wefit do startup kết nối này không thanh toán tiền.
Phía phòng tập, spa cũng tố Wefit nợ đọng. Facebooker Khánh Ngân, làm việc tại Saturn Spa biên status tố Wefit nợ đọng 2 tháng và khất lên khất xuống 3 lần vẫn chưa thanh toán.
Trước đó, có thông tin một phòng tập Wefit từng "khoe" là cực xịn xò khi kết nối được là Salsa Spring ngưng liên kết với nền tảng này vì Wefit chậm thanh toán, dẫn tới công nợ lên đến 100 triệu đồng.
Trả lời Trí thức trẻ khi đó, CEO Wefit Khôi Nguyễn cho biết: "Startup cũng có một chút khó khăn về dòng tiền cuối năm, lấy thu này bù chi kia và vừa phải đầu tư thêm, cộng thêm mùa đông là mùa thấp điểm của fitness nên có nợ nhưng không phải là tất cả các đối tác, một số đối tác này sẽ trả chậm hơn đối tác khác". Khôi cho biết công ty từ nay đến cuối năm sẽ chốt vòng gọi vốn mới và do đó sẽ có thêm kinh phí, tháng 3/2020 Wefit sẽ đẩy mạnh một sản phẩm nữa mới ra và khi đó sẽ có nhiều thay đổi".
"Hiện tại Wefit đang đẩy mạnh sản phẩm về làm đẹp nên cần thêm tiền đầu tư".
Năm 2019, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là kết nối phòng tập, Wefit mở thêm một loạt mảng mới như kết nối bể bơi, spa, ra mắt thương hiệu Wejoy và đổi tên startup thành WeWow.
Sự ra mắt này đã làm náo động thị trường beauty một thời gian, với lượng spa, salon liên kết với Wefit lên tới 500. Tuy nhiên, lĩnh vực beauty khác hoàn toàn với lĩnh vực fitness, với việc quản lý chất lượng sản phẩm khó khăn hơn nhiều. Wefit kinh doanh theo mô hình thu chiết khấu trực tiếp trên giá dịch vụ. Ví dụ Wefit bán cho người dùng gói 1.550.000 đồng/3 tháng (mỗi tháng có 4 lần sử dụng dịch vụ) tiền đó sẽ đổ về Wefit và startup này sẽ thanh toán (sau khi trừ chiết khấu) cho các spa, salon mà khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều spa, salon sau một thời gian liên kết với Wefit đã cắt giảm công đoạn dịch vụ (để cắt giảm chi phí), thậm chí bán gói riêng giảm giá tương đương Wefit cho chính khách hàng Wefit.
Hiện quanh khu đô thị Hapulico, các spa trong danh sách của Wefit như Mộc An, La Mer, Dưỡng Tâm, Charm Nail... đều đã ngừng liên kết với startup này.
Wefit được Khôi Nguyễn thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Khôi từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 và từng vào danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn.
Khôi từng chia sẻ về 4 tư thế chết của bản thân như làm ra sản phẩm không ai dùng, mất quá nhiều thời gian làm sản phẩm nên hết tiền, sản phẩm không convert được ra doanh số và chết vì có quá nhiều tiền. Trong đó, tư thế "chết vì có quá nhiều tiền" chính là tư thế chết của Wefit khi gọi được vốn và dòng tiền vượt quá khả năng quản trị tài chính của team sáng lập.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ