Các DN hàng không và dầu khí Việt chứng kiến những cú sốc thua lỗ ngàn tỷ ngay quý 1 đầu năm mới. Tuy nhiên, tình hình tươi sáng trở lại triển vọng hồi phục nhanh là khá rõ và túi tiền nhiều tỷ phú không hao hụt nhiều.
CTCP Hàng không Vietjet - Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 với doanh thu hợp nhất giảm 47% so với cùng kỳ xuống chỉ còn khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất lên tới gần ngàn tỷ đồng do chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Trước đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) cũng ghi nhận quý lỗ chưa từng có, 2,6 ngàn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2008 do kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng mạnh 44% so với cùng kỳ (chủ yếu do chênh lệch tỷ giá).
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng ghi nhận lỗ hơn 1,2 ngàn tỷ đồng trong quý 1 do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản.
Ngành dầu khí cũng chứng kiến một loạt các doanh nghiệp lỗ ngàn tỷ, trong đó riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) lỗ tới 1,9 ngàn tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với ước tính do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1,6 tỷ đồng. Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ 2,3 ngàn tỷ, PV OIL lỗ hơn 400 tỷ đồng...
Nhìn những thua lỗ của các doanh nghiệp trong các ngành như hàng không trong quý 1/2020 là điều đã được dự báo trước. Đây cũng là tình hình chung trên thế giới. Những nỗ lực ngăn chặn đại dịch đã khiến hoạt động đi lại, nhất là lĩnh vực hàng không tụt giảm.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. |
Tuy nhiên, mức độ sụt giảm tại Việt Nam diễn ra trong thời gian ngắn hơn nhờ việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt.
Nếu như trên thế giới, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã phải chấp nhận thua lỗ 50 tỷ USD và bán hết cổ phiếu hàng không, thì tại Việt Nam, tình hình có vẻ ít u ám hơn rất nhiều.
Các cổ phiếu hàng không Việt không giảm nhiều và đang hồi phục nhanh chóng. Cổ phiếu VietJet (VJC) tăng mạnh từ mức dưới 100 ngàn đồng/cp hồi cuối tháng 3 lên mức 114.000 đồng/cp như hiện tại, và chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử 143.000 đồng/cp ghi nhận hồi cuối tháng 1/2020 không nhiều.
Khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn không có gì thay đổi, đứng vững ở mức 2,3 tỷ USD trong bảng xếp hạng của Forbes. Thậm chí, thứ hạng trên thế giới của bà Thảo được cải thiện, từ mức 1062 trên thế giới lên mức 1012 như hiện tại.
Sở dĩ, các hãng hàng không Việt thua lỗ không nhiều như thế giới là nhờ đã chủ động trước kế hoạch ứng phó Covid-19. Như VietJet đã mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới... Hãng cũng bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để chủ động hơn trong hoạt động khai thác, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ.
Sự hỗ trợ của Chính phủ (thuế, phí, tài chính,... ) cũng sẽ góp phần giảm áp lực, hỗ trợ ngành hàng không hồi phục.
Triển vọng của các cổ phiếu hàng không cũng sáng sủa hơn nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đồng loạt tăng mạnh các chuyến bay nội địa từ 23/4 cho các chặng bay giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,...
Theo Forbes, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ở mức 2,3 tỷ USD. |
Trong đề xuất mới nhất, Cục Hàng không kiến nghị tăng tần suất bay nội địa từ 5/5 (với đường bay Hà Nội-TP.HCM lên 52 chuyến khứ hồi) và cho phép dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên tàu bay, được vận chuyển hành khách theo cấu hình của tàu bay. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng tổng tần suất 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày.
Theo Cục Hàng không, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 30/4-3/5, các hãng hàng không đã khai thác các chuyến bay nội địa tới toàn bộ các sân bay của Việt Nam.
Trong đó 3 đường bay trục quan trọng là Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng đã khai thác trên 92% lượng tải cung ứng được phân bổ. Lượng khách vận chuyển nội địa đạt trên 150.000 khách, với hệ số sử dụng ghế các đường bay trục từ 70-80% và các đường bay khác từ 60-70%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 5/5, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động nhẹ và đang ở quanh mức 760-770 điểm. Các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 tiếp tục phân hóa.
Cổ phiếu VietJet giảm nhẹ, trong khi nhiều cổ phiếu dầu khí hồi phục. Nhóm ngân hàng tài chính phân hóa, nhưng biến động không nhiều. Cổ phiếu Techcombank (TCB) đứng giá sau cú sập hệ thống giao dịch điện tử hôm qua.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, hiện tại thị trường chứng khoán đang trong vùng nhạy cảm khi mà gần hết báo cáo tài chính của các công ty niêm yết đã ra, đồng thời xu hướng 'Sell in May' cũng phần nào ảnh hưởng tâm lý đến nhà đầu tư. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng hơn với những giao dịch trên thị trường và quản trị rủi ro danh mục đầu tư của mình luôn ở ngưỡng an toàn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, VN-Index giảm 6,64 điểm xuống 762,47 điểm; HNX-Index giảm 1,12 điểm xuống 105,72 điểm. Upcom-Index giảm 0,31 điểm xuống 51,91 điểm. Thanh khoản đạt 4,4 ngàn tỷ đồng.
V. Hà