Tuy nhiên, bài báo cho rằng Việt Nam đã trở thành một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực du lịch ở khu vực khi lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2017 tăng cao nhất trong khu vực. Trung bình, mỗi khách du lịch đến Việt Nam chi 685 USD.
Theo bài báo, tăng trưởng du lịch của Việt Nam có được thành công trên là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo của chính phủ đối với "ngành công nghiệp không khói", cũng như thấu hiểu và giải quyết những thách thức mà ngành này phải đối mặt.
Chính sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội về phát triển du lịch đã tạo ra môi trường thuận lợi cho ngành này phát triển. Bên cạnh đó, những nỗ lực to lớn của các địa phương và doanh nghiệp trong những năm qua đã thiết lập một hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch.
Ngoài việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đơn giản hóa thủ tục visa du lịch, điều chỉnh giá điện và dịch vụ đầu vào để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, cũng như đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, Việt Nam cũng tập trung nỗ lực và quyết tâm xúc tiến thương mại, văn hóa tới các thị trường khác. Trong năm 2017, rất nhiều chương trình xúc tiến du lịch đã được thực hiện, mở rộng cả về phạm vi và quy mô.
Năm 2017, đã có 90 cơ sở du lịch ở Việt Nam được công nhận là khách sạn 3 sao đến 5 sao, trong đó có 13 cơ sở hạng 5 sao, 31 cơ sở hạng 4 sao và 46 cơ sở hạng hạng 3 sao. Hiện nay, Việt Nam có 25.600 cơ sở du lịch, tăng 12% so với năm 2016; cung cấp hơn 508.000 phòng, tăng 11% so với năm 2016.