Theo báo cáo năm 2021 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, thương mại song phương giữa hai nước đạt 90 tỷ USD vào năm 2020, tăng 17% so với năm 2019. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô và sự tự do kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tự. Bất chấp những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu vì Covid-19, Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á có hiệu suất cao nhất vào năm 2020, vượt qua Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng ước tính là 2,9%.
Phần lớn sự tăng trưởng này, được cho là đến từ lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của Việt Nam và nhu cầu toàn cầu cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã và đang tiếp tục mở cửa với thương mại quốc tế, tham gia các hiệp định song phương và đa phương với phần còn lại của thế giới.
Năm 2019, Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, một hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia ở châu Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, đồng thời ký hiệp định thương mại song phương với Liên minh châu Âu.
Trong năm 2020, Việt Nam cũng trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, bao gồm 10 nước quốc gia Đông Nam Á, cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Các nền kinh tế tham gia hiệp định này chiếm tới hơn 25% GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới.
Những chuyển biến gần đây của Việt Nam đã được chú ý và ghi nhận, với sự cải thiện ổn định trong xếp hạng về Chỉ số Tự do Kinh tế của Heritage Foundation. Trong bảng xếp hạng năm 2021, Việt Nam tăng 15 bậc để trở thành nền kinh tế đứng thứ 90/178 về tự do kinh tế, đứng thứ 17 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được tự do hóa kinh tế chắc chắn là đáng khen ngợi, đặc biệt khi so sánh với các nước có vị thế tương tự trong khu vực. Những cải cách đang diễn ra trong các trụ cột chính của tự do kinh tế, đã kéo theo những tiến bộ rõ rệt trong việc đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và mở cửa thị trường.
Trong 27 năm công bố chỉ số tự do kinh tế, Việt Nam là quốc gia có sự cải thiện đáng kể về điểm số, tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nga hay Trung Quốc , đặc biệt là trong các hạng mục về tự do đầu tư và tài chính.
Khi Việt Nam tiếp tục áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do hơn, Việt Nam cần được coi là một đối tác kinh tế chiến lược ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ.
Các mối quan hệ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng. Hoa Kỳ cần đảm bảo rằng, họ tiếp tục tích cực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia cùng chí hướng.