Facebook đang có chiến lược mới ở nông thôn Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ trở nên khó khăn hơn, khi người bán hàng online đang tích cực sử dụng ứng dụng video và chat để kết nối với khách hàng.
Cư dân vùng nông thôn - những người có xu hướng giàu lên - ở Việt Nam đang thích nghi nhanh chóng với việc sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là các chức năng trò chuyện và video, Facebook nói với Nikkei Asia.
Facebook cho hay, Việt Nam, cùng với Thái Lan, đang dẫn đầu thế giới về việc sử dụng chức năng trò chuyện trong bán lẻ trực tuyến. Nhận định này được Facebook đưa ra sau khi tiến hành thống kê lượng tin nhắn được trao đổi giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Khôi Lê, Giám đốc mảng kinh doanh của Facebook tại Việt Nam cho biết: "Các đồng nghiệp của chúng tôi tại Mỹ rất bất ngời. Chúng tôi đang xây dựng rất nhiều thứ, để có thể mở rộng tiện ích cho người dùng toàn cầu. Nếu bạn đến từ Mỹ và thấy những thứ như thế này ở Việt Nam, thì khá thú vị".
Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng đối với Facebook - quốc gia là đầu tàu có doanh thu lớn nhất ở Đông Nam Á, theo một báo cáo tài chính được công bố vào tháng 1. Báo cáo cho biết trên toàn thế giới, "phần lớn" thu nhập của công ty đến từ quảng cáo.
Anh Khôi cho biết, thị trường nông thôn là một phần trong giai đoạn tiếp theo của Facebook. Trong số 98 triệu dân của Việt Nam, 62 triệu sống ở nông thôn, theo thống kê vào năm ngoái củaTổng cục Thống kê. Hơn nữa, chi tiêu của họ sẽ tăng nhanh hơn so với người thành thị.
Facebook dự báo chi tiêu ở nông thôn cho hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng 7% hàng năm từ năm 2020 đến năm 2025, cao hơn so với mức tăng trưởng 2% ở các thành phố.
Đối với người xem ở vùng nông thôn, video trực tuyến đã lần đầu tiên vượt qua TV về lượt xem. Trong một báo cáo hồi tháng 4, Facebook trích dẫn một cuộc khảo sát của công ty đầu tư truyền thông GroupM với 4.500 người sống ở nông thôn Việt Nam, trong khi TV từng là hình thức truyền thông chính với nông dân vào năm 2018, thì vào năm 2020, tỷ lệ sử dụng TV giảm xuống 86% trong khi tỷ lệ thâm nhập Internet đã đạt 91%.
"Tôi cũng từng lầm tưởng rằng, người dân nông thôn không thực sự sử dụng Internet thành thạo", Khôi nói. Nhưng cuộc khảo sát của công ty cho thấy, 92% hộ gia đình ở Việt Nam có điện thoại thông minh. Họ sử dụng chúng để chơi game, mua sắm và xem TV. "Họ đã rất thành thạo, sử dụng tất cả các công cụ họ có trong tay".
Với thói quen xem video ngày càng phát triển của người dùng Việt Nam, Facebook đã xác định một số lĩnh vực trọng tâm, bao gồm livestream (phát trực tiếp), chương trình truyền hình trên Facebook Watch, video clip trong nguồn cấp tin tức, và các bài đăng lại từ Instagram do Facebook sở hữu và cái gọi là video phù du tự động biến mất sau một cài đặt thời gian.
Đối với thương mại điện tử, Khôi cho biết, những dịch vụ này sẽ bổ sung cho chức năng trò chuyện, bao gồm các chương trình trò chuyện cho phép người bán trả lời câu hỏi trực tiếp trong một buổi phát sóng trực tiếp.
Công ty hy vọng, những công cụ này sẽ giữ cho các nhà bán lẻ kết nối với người dùng Facebook, đặc biệt là sau khi chính sách mới của Apple có hiệu lực vào tháng 4. Chính sách mới sẽ khiến những công ty mua dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số của họ từ Google và Facebook - sẽ khó gửi các quảng cáo được nhắm mục tiêu đến khách hàng của họ hơn.
Mới đây, Apple đã công bố nhiều tính năng bảo mật hơn nữa cho các hệ điều hành mới nhất của mình, một động thái dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến quảng cáo trực tuyến.
Phúc Ngô, Giám đốc hoạch định chiến lược của công ty tiếp thị khu vực Vero, cho biết các nhà quảng cáo vẫn đang tìm cách thích ứng với chính sách theo dõi chặt chẽ hơn của Apple. Quảng cáo định hướng mục tiêu vẫn là hiệu quả nhất, trong khi chiến lược "thương mại xã hội" mà Facebook đang chào hàng chỉ đóng một "vai trò nhỏ" trong các chiến dịch mà Phúc đã quản lý.
"Trước khi thay đổi chính sách, bạn [có thể] phụ thuộc vào AI của Facebook, nó rất thông minh", Phúc nói. "Bạn cho AI thời gian để nghiên cứu hành vi mục tiêu, chúng có thể chuyển đổi thông tin đó thành định hướng mua hàng hiệu quả hơn."
Dù vùng nông thôn Việt Nam đang dần trở nên giàu có hơn, song vẫn còn kém xa các thành phố. Mức lương tối thiểu hàng tháng ở Hà Nội là 4,4 triệu đồng, vẫn cao hơn so với 3 triệu đồng ở các tỉnh nghèo nhất.
Hơn nữa, việc tập trung vào video khiến Facebook sẽ khiến cạnh tranh trực diện hơn với YouTube và TikTok, một nền tảng mới nổi ở Việt Nam.
Mặt khác, việc tiếp cận khách hàng nông thôn cũng không đơn giản như vậy. Với cơ sở hạ tầng liên kết còn đang trong quá trình hoàn thiện, chi phí logistics ở Việt Nam khá cao, tổng giá trị tương đương 16,8% GDP, cao hơn mức trung bình của châu Á, theo Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020 của Bộ Công thương. Người bán có thể quảng cáo sản phẩm của họ cho đối tượng sống ở nông thôn Việt Nam, nhưng vận chuyển những sản phẩm đó sau khi quảng cáo thành công lại là một vấn đề khác.