Cửa hàng một điểm đến (one-stop shop) là trung tâm kinh doanh/cửa hàng có diện tích lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng (từ đa dạng về phong cách, mẫu mã, chủng loại đến phân khúc giá cả). Tại đây, chỉ một lần dừng chân, khách hàng có thể lựa chọn, mua sắm cho nhiều nhu cầu khác nhau của mình.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được áp dụng đối với hơn 1.000 cửa hàng tổng chuỗi siêu thị mini WinMart+ vào năm 2022. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sẽ mở thêm 700 tới 1.000 cửa hàng mới cũng trong năm tới, đưa con số tổng cửa hàng lên đến 3.600.
Một cửa hàng WinMart tại Hà Nội đã được tích hợp cùng quầy cà phê Phúc Long và điểm giao dịch Techcombank, cây ATM, cũng như có nhân viên liên kết phát hành thẻ rút tiền và thẻ tín dụng.
Trên thực tế, các cửa hàng tiện lợi đa chức năng như vậy đã phổ biến ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, song vẫn còn rất ít tại Việt Nam, ngay cả ở các thành phố lớn.
"Vì tình hình dịch bệnh COVID-19, tôi thường cố gắng chỉ phải mua sắm ở một chỗ", một khách hàng 40 tuổi chia sẻ. "Thật tiện lợi khi có thể mua một ly cà phê nóng và rút tiền tại một nơi".
Ảnh: Tomoya Onishi
Công ty CP Hàng Hải Masan (MSC) chính thức được thành lập năm 2004, tập trung vào thị trường thực phẩm. Cuối năm 2019, Masan đã tiếp quản gần 3.000 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+.
Thương vụ mua lại này đã đưa Masan lên vị trí hàng đầu trong hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam. Các cửa hàng VinMart được đổi tên thành WinMart.
Đáng chú ý, thời quan qua, Masan tăng tốc nhân rộng mô hình bán lẻ tích hợp đa tiện ích.
Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Masan xác nhận The Sherpa, một công ty thành viên của Masan, đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - doanh nghiệp sở hữu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam, với mức giá 15 triệu USD.
Đến tháng 9, The Sherpa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty CP Mobicast ("Mobicast" hoặc "Reddi") với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra, Masan cũng là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại Techcombank.
Trước đây, chợ truyền thống vẫn là địa điểm phổ biến đối với người dân Việt Nam, trong lựa chọn các thực phẩm tươi sống, như thịt và cá. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan COVID-19 tại các khu chợ ẩm ướt đã giúp mô hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi ngày càng trở nên được ưa chuộng với người tiêu dùng.
Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Việt Nam đã chạm mốc 3.000 USD - một ngưỡng thường được đánh giá sẽ gây ra thay đổi lớn trong thói quen chi tiêu. Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam cũng thu hút nhiều công ty đa quốc gia như Central Group của Thái Lan, hay Aeon của Nhật Bản.
Masan cũng đã bắt kịp xu hướng này. Quý 3/2021, Masan Group ghi nhận tăng trưởng EBITDA 51% so với cùng kỳ, lên khoảng 4,18 nghìn tỷ đồng (183 triệu USD).
Tháng 12 vừa qua, Masan ký kết giao dịch với nhóm các nhà đầu tư bao gồm TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi - ADIA) và SeaTown Master Fund (do công ty con của Temasek Holdings quản lý) cho khoản đầu tư 350 triệu USD vào Công ty cổ phần The CrownX (TCX).
Giao dịch khép lại vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái TCX. Đến nay hệ sinh thái này đã thu hút nguồn vốn hơn 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Sau giao dịch, The CrownX được định giá 8,2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương giá mỗi cổ phần là 105 USD (xấp xỉ 2.415.000 đồng). Mức định giá này cho thấy giá trị The CrownX đã tăng 12% so với vòng huy động vốn trước đó. Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX sau giao dịch này là 81,4%.
Trong tuyên bố vừa qua, ông Danny Le, Tổng Giám Đốc Masan Group cho biết: "The CrownX đặt mục tiêu số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ, đạt biên lợi nhuận hai chữ số, hướng tới việc IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 hoặc 2024".