Nikkei Asia đưa tin: Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, Vingroup, vừa ra mắt ứng dụng di động dành cho các cửa hàng tạp hóa bán lẻ đồ gia dụng và bình dân, giúp số hóa ngành kinh doanh truyền thống. Những cửa hàng này vốn đang bị các cửa hàng tiện lợi hiện đại lấn át.
Hôm thứ Hai, Vingroup đã công bố ứng dụng VinShop, được hơn 20.000 cửa hàng nhỏ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng. Những cửa hàng này thường do hộ gia đình kinh doanh và bán đồ lặt vặt. Các chủ cửa hàng sử dụng ứng dụng này có thể đặt hàng trăm mặt hàng từ các nhà cung cấp. Họ cũng có thể sử dụng nó để kết nối với một ứng dụng khác của Vingroup, VinID. Hiện đang có 10 triệu người mua sắm bán lẻ sử dụng VinID để thanh toán.
VinShop bắt đầu xây dựng mạng lưới bán lẻ vào tháng 7, nhằm kết nối các nhà sản xuất và cửa hàng thông qua ứng dụng. Ứng dụng này bao gồm chức năng mua hàng và phân phối.
"Doanh thu của VinShop sẽ dựa trên nền tảng quảng cáo định hướng, cung cấp dịch vụ tài chính và phát triển thị trường cho các nhà cung cấp", Trương Quỳnh Phương, Giám đốc phát triển Kinh doanh One Mount Group nói với Nikkei Asia hôm thứ Tư.
Các cửa hàng truyền thống nhỏ từ lâu đã củng cố nền "kinh tế gói (sachet economy)" của Việt Nam.
*Sachet economy ám chỉ sự phổ biến của việc bán các gói sản phẩm dùng một lần cho nhiều đồ tiêu dùng hàng ngày, chẳng hạn như dầu gội gói và cà phê gói.
Các cửa hàng tạp hóa đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ 7-Eleven, Ministop, B's Mart và thậm chí là Vinmart +, chuỗi siêu thị mini do chính Vingroup sáng lập, hiện do Masan điều hành sau khi sáp nhập vào tháng 12. Doanh số bán hàng tại các chuỗi cửa hàng lớn đạt 170 triệu USD vào năm 2019, gấp khoảng 4 lần số tiền mà các cửa hàng truyền thống thu được, theo một báo cáo tháng 7 từ Deloitte.
Ứng dụng VinShop là dự án mới nhất của hệ sinh thái Vingroup. Hệ sinh thái này bao trùm từ ô tô VinFast đến điện thoại VinSmart. Tập đoàn này do người giàu nhất Việt Nam - Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, hiện đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ và sản xuất.
Vingroup cho biết ứng dụng của họ sẽ nâng cao thu nhập của các cửa hàng tạp hóa, trung bình 432 USD (10 triệu VND) một tháng khi giúp họ hoạt động hiệu quả hơn và cắt giảm chi phí.
Công ty cho biết: "Giải pháp này được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả của toàn bộ chuỗi cung ứng, [và] giúp khắc phục những điểm yếu hiện tại trong việc phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến cửa hàng tạp hóa".
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trong nước và quốc tế đã trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ Việt Nam. Họ thích tụ tập nhâm nhi nước trái cây và ăn mì gói. Ngược lại, các cửa hàng truyền thống có xu hướng thường gắn liền với bim bim, nước uống đóng chai và bột giặt.
"Đối với nhiều người tiêu dùng nông thôn và người tiêu dùng thành thị có thu nhập thấp, mỗi ngày họ không chi quá nhiều cho tiêu dùng. Họ mua hàng với số lượng nhỏ. Các cửa hàng tạp hóa truyền thống, chẳng hạn như ở chợ địa phương, các cửa hàng mẹ và bé, là một lựa chọn thay thế thuận tiện với giá cả phải chăng cho thương mại hiện đại", theo báo cáo của Deloitte.
Infocus Mekong Research cho biết, tiêu dùng đã giảm trên diện rộng thời Covid-19, khiến người Việt không muốn ra ngoài. Trong cuộc khảo sát tiêu dùng vào tháng 7, 36% cho biết họ sẽ ít đến các cửa hàng tiện lợi hơn, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Chỉ có 22% người trả lời nói rằng họ sẽ mua sắm thường xuyên hơn.
Những nỗ lực tương tự nhằm hiện đại hóa các cửa hàng truyền thống nhờ công nghệ đang diễn ra ở cả các quốc gia Đông Nam Á khác. Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp như BukuWarung và BukuKas đã huy động được hàng triệu USD cho các ứng dụng tương tự.