Việt Nam thu hút sự chú ý theo cách không hề mong muốn trong những tháng gần đây về các dự án nhà máy nhiệt điện than. Nhưng đất nước này có một nguồn phát thải carbon lớn khác: xe máy phổ biến ở khắp nơi, trang Nikkei Asia viết.
Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu xe máy, theo số liệu của Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia – nhiều gấp 5 lần Nhật Bản. Doanh số bán xe máy giảm 17% trong năm 2020 do đại dịch nhưng vẫn đạt mức 2,71 triệu chiếc.
Kinh tế tăng trưởng khiến cho vấn đề trầm trọng hơn. Một số người sở hữu 2 xe máy: một để đi lại và một để giải trí. Thích hợp để di chuyển trên vô số các con phố nhỏ hợp, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam.
Ô tô đắt và phải chịu thuế cao khiến nhiều người không thể tiếp cận được. Chỉ có khoảng 400.000 chiếc ô tô được bán tại Việt Nam vào năm 2020.
Người dùng Việt nam không có thói quen nâng cấp xe máy thường xuyên, đồng nghĩa với việc đường phố tràn ngập các mẫu xe 2 bánh xả ra khí thải. Có rất ít "đất" cho các loại xe điện hoặc xe hybrid thân thiện với môi trường gia nhập thị trường.
TS. Hồ Quốc Bằng – chuyên gia về môi trường tại Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng xe máy và các phương tiện giao thông khác chiếm 99% lượng xả khí carbon dioxide của thành phố.
Đường sắt đô thị có thể hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM trong năm nay nhưng nó không giúp người dùng từ bỏ xe máy. "Nếu tôi phải đi bộ hàng trăm mét để đến ga tàu điện, tôi sẽ chọn đi xe máy", một nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội cho biết.
Xe máy đã đi vào nếp sống hàng ngày ở Việt Nam và việc đưa chúng ra khỏi các con đường là một thách thức. Việc sản xuất xe đạp điện hoặc đánh thuế nặng các mẫu xe đã lỗi thời sẽ là điều bắt buộc. Các "nhà máy hai bánh" phát ra khí nhà kính mới là vấn đề cấp bách, so với nhà máy đốt than, Nikkei Asia kết luận.