Tờ Nikkei Asian Review cho rằng một cuộc cạnh tranh khốc liệt xuyên biên giới giữa ứng dụng gọi xe hàng đầu châu Á, Grab, và đối thủ Go-Jek từ Indonesia chuẩn bị bùng nổ sau khi Go-Jek gia nhập thị trường Việt Nam.
Vào ngày 12/9, Go-Jek tuyên bố ra mặt dịch vụ tại Việt Nam. Go-Jek hiện cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng và chuyển phát nhanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất tại Việt Nam.
Cung cấp dịch vụ thông qua đối tác địa phương Go-Viet, Go-Jek đang thách thức vị trí chiếm lĩnh tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á của Grab.
Nếu Grab hoạt động dưới cùng một thương hiệu tại tám quốc gia Đông Nam Á, thì Go-Jek lại chọn lựa hoạt động thông qua các cơ sở địa phương, tại Việt Nam là thương hiệu Go-Viet. Theo nhà sáng lập và CEO của Go-Jek, Nadiem Makarim, đây là quyết định được đưa ra sau một cuộc tranh luận lớn trong nội bộ công ty.
Cái tên Go-Jek xuất phát từ từ "ojek" quen thuộc được dùng để gọi xe ôm trong tiếng Indonesia. Nhưng Makarim cho rằng cái tên này sẽ trở nên xa lạ tại thị trường Việt Nam. Do đó công ty lựa chọn cái tên gần gũi hơn là Go-Viet và trang bị đồng phục đỏ với phù hiệu ngôi sao, tương tự như hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, cho tài xế.
Tại Thái Lan – thị trường Go-Jek chuẩn bị ra mắt dịch vụ, công ty lựa chọn tên thương hiệu Get.
Theo Makarim, cái tên Go-Viet đã tỏ ra hiệu quả. Vị CEO này tuyên bố Go-Viet đang nắm giữ 35% thị phần dịch vụ gọi xe máy qua ứng dụng tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh doanh và tài chính của đất nước, chỉ sau chưa đầy hai tháng ra mắt tại đây. Ứng dụng của hãng đã đạt 1,5 triệu lượt tải.
Tuy nhiên, Makarim thừa nhận rằng người dùng vẫn phải tải hai ứng dụng riêng biệt Go-Jek và Go-Viet để sử dụng dịch vụ tại Indonesia và Việt Nam. So với cơ chế một ứng dụng của Grab giúp khách hàng có thể sử dụng cùng một ứng dụng tại nhiều quốc gia, đây là nhược điểm của Go-Jek.
Tuy nhiên, theo mong đợi, việc bắt tay với Go-Viet có thể giúp Go-Jek mở rộng hoạt động tại Việt Nam dễ dàng hơn. Nhà đồng sáng lập và CEO của Go-Viet, Nguyễn Vũ Đức, cho biết công ty có ý định cung cấp thêm các dịch vụ mà hiện tại chỉ có tại Indonesia, trong đó, gọi xe, giao thực phẩm và ví điện tử Go-Pay là ba ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, ông cho biết: "Chúng tôi cũng sẽ cung cấp dịch vụ Go-shopping và dọn dẹp và làm đẹp tại nhà. Những dịch vụ này sẽ được ra mắt tại Việt Nam dựa theo nhu cầu thị trường."
Trong khi đó, Grab, dịch vụ gọi xe hiện đã có mặt tại 36 thành phố tại Việt Nam, đang phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý trong việc mở rộng hoạt động sau khi mua lại Uber, sự kiện gây chấn động Đông Nam Á vào tháng tư.
Một số cựu nhân sự quản lý của Uber đã gia nhập Go-Viet, bao gồm cả ông Đức. Không những vậy, Go-Viet còn thu hút nhiều cựu tài xế và khách hàng của Uber.
Thành Hưng, một cựu tài xế Uber tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết anh từng thử làm việc cho Grab nhưng nhận thấy phong cách làm việc không phù hợp. Anh cho biết: "Sau khi Go-Viet ra mắt tại Việt Nam, tôi đã đăng ký làm việc cho họ. Tôi rất vui, và nhiều cựu tài xế Uber cũng đang làm việc cho Go-Viet bởi họ có chính sách tốt cho tài xế." Mức hoa hồng cao hơn là một trong những chính sách này.
Một khách hàng cũ của Uber, chị Lan Hương, cho biết: "Sau khi Go-Viet ra mắt, tôi thử sử dụng [ứng dụng] và nhận thấy đây là một lựa chọn tốt bởi chi phí vẫn thấp. Nhưng quan trọng hơn hết, một số tài xế Go-Viet nói với tôi rằng rất nhiều tài xế cũ của Uber đang làm việc cho Go-Viet, vì vậy có lẽ họ sẽ cung cấp dịch vụ tương đương."
Sự góp mặt của Go-Jek dường như đang "ép" Grab phải nâng cấp hoạt động tại Việt Nam. Theo báo cáo, Grab dự định cải thiện chế độ cho tài xế và đã ra mắt dịch vụ giao thực phẩm vào tháng năm, cùng thời gian Go-Jek tuyên bố kế hoạch mở rộng trị giá 500 triệu USD tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Không những vậy, vào ngày 11/9, một ngày trước khi Go-Viet chính thức ra mắt, Grab đã công bố "hợp tác chiến lược" với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số Moca nhằm "mở rộng dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động nhanh hơn trên toàn quốc."
Makarim cho biết cạnh tranh khốc liệt cản trở khả năng sinh lời của dịch vụ gọi xe, nhưng nó cũng có mặt tích cực: kích thích sáng tạo. Ông chia sẻ: "Nếu không phải vì cạnh tranh, Go-Jek sẽ không có động lực sáng tạo và làm lớn. Vì vậy, trên thực tế, chúng tôi đang cùng nhau phát triển thị trường."
Theo báo cáo, lợi nhuận hiện tại của Go-Jek tới từ các dịch vụ khác thay vì từ ứng dụng gọi xe.
Trước tuyên bố hợp tác cùng Go-Viet, Go-Jek đã công bố số lượt tải ứng dụng của hãng tại Indonesia là 105 triệu và số lượng tài xế hoạt động tại 144 thành phố và quận huyện đạt 1 triệu người.
Trong khi đó, Grab sở hữu 8 triệu tài xế và cơ sở tại 234 thành phố trên toàn Đông Nam Á và 109 triệu lượt tải ứng dụng.
Trước cuộc cạnh tranh mới, đại diện Grab cho biết: "Theo quan sát, kể từ đầu tháng 8 thị phần của chúng không giảm. Tại Việt Nam, công việc kinh doanh của Grab vẫn phát triển nhanh chóng. Mảng vận tải vẫn phát triển mạnh qua từng tháng, bên cạnh đó, các dịch vụ khác như giao thực phẩm và giao hàng cũng tăng trưởng nhanh. Chúng tôi sẵn sàng trước các cạnh tranh trên thị trường… Khi diễn ra đúng hướng, cạnh tranh giúp thị trường tốt hơn."