Mặc dù TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không “mặn mà” tham gia phát triển nhà ở xã hội, trong khi đó nhu cầu của người dân ở phân khúc này là rất lớn.
Sinh sống ở quận Thủ Đức, TP.HCM gần chục năm nhưng gia đình 3 người của anh T.V.T (quê Tiền Giang) vẫn chưa thể mua được nhà. Cùng làm công nhân cho một công ty tại Khu Chế xuất Linh Trung với tổng mức thu nhập khoảng 11 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt cũng như học hành cho con, mỗi tháng vợ chồng anh T. chỉ để dành được khoảng 3 triệu đồng.
Hiện gia đình 3 người của anh T. vẫn đang thuê một phòng trọ xập xệ gần chỗ làm, với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Theo anh T., với mức thu nhập như trên, vợ chồng anh rất khó mua được nhà tại quận Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung, bởi giá bán hiện quá cao.
“Cách đây 3 năm, căn hộ chung cư diện tích khoảng 50m2 ở quận Thủ Đức có giá bán chỉ 1,2 tỷ đồng. Nhưng hiện tại giá bán này không còn, các dự án chung cư mới xây sau này đều có giá hơn 35 triệu/m2, vượt xa khả năng chi trả của người thu nhập thấp”, anh T., nói.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH), nhà cho người thu nhập thấp tại TP.HCM không ngừng tăng theo năm, tuy nhiên các dự án phân khúc này cung ứng ra thị trường chưa đáp ứng được.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2011 – 2016, các doanh nghiệp đã xây dựng được 5.000 căn NƠXH, tuy chưa đáp ứng được hết nhưng đã giải quyết không nhỏ nhu cầu của một bộ phận người thu nhập thấp. Giai đoạn từ năm 2016 – 2019, trên địa bàn thành phố có 23 dự án NƠXH hoàn thành và đưa vào sử dụng (tương ứng 1,15 triệu m2 sàn), chủ yếu ở các quận nội thành phát triển và ngoại thành.
Trong 9 năm qua, TP.HCM đã phát triển được 1,55 triệu m2 sàn NƠXH. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2020, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng được hưởng chính sách về NƠXH lên đến 16 triệu m2 sàn. Qua đó cho thấy phân khúc này đang bị mất cân đối cung – cầu.
Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu nhà ở và thị trường BĐS về nhóm người thu nhập thấp tại TP.HCM trong năm qua, có 44% hộ thu nhập thấp có khả năng chi trả dưới 500 triệu đồng để mua nhà. 45% người có khả năng chi trả 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng và chỉ 11% người thu nhập thấp có khả năng chi trả hơn 1 tỷ đồng để mua nhà.
Cứ 100 người thu nhập thấp thì chỉ có 11 người có khả năng chi trả hơn 1 tỷ đồng để mua nhà. |
Trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, UBND TP.HCM nêu ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện chính sách về phát triển NƠXH. Trong đó nghĩa vụ điều tiết 20% quỹ nhà hoặc quỹ đất NƠXH tại dự án nhà ở thương mại không thu hút nhà đầu tư vì ảnh hưởng đến cơ cấu chi phí, phương án tài chính và tiến độ dự án.
Tại thành phố, các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha chủ yếu lựa chọn hình thức nộp tiền để thực hiện nghĩa vụ điều tiết phát triển NƠXH thông qua thanh toán 100% tiền sử dụng đất. Hiện vẫn chưa có cơ chế cụ thể trong việc trích lập và tái đầu tư nguồn lực này phục vụ phát triển NƠXH.
Thành phố vẫn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhóm nhà đầu tư NƠXH, đặc biệt trong việc giảm thời gian thực hiện dự án bằng cách cho chủ đầu tư tiếp cận quỹ đất sạch, cắt giảm thủ tục hành chính trong quá trình lập và thực hiện dự án.
Để đảm bảo giá NƠXH phù hợp với đại bộ phận người dân có nhu cầu, thành phố quy định các chủ đầu tư dự án phải cam kết giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2. Nhưng pháp luật không có quy định chủ đầu tư phải cam kết giá bán NƠXH, đồng thời nội dung này cũng không còn phù hợp với tình hình thị trường BĐS hiện nay.
Những mất cân đối cung – cầu, hạn chế về chính sách hỗ trợ và khống chế giá bán dự án NƠXH đã khiến cho các doanh nghiệp không “mặn mà” tham gia phát triển phân khúc nhà ở này. Bên cạnh đó, với sự biến động giá bán nhà ở tại TP.HCM trong những năm gần đây, người thu nhập thấp càng khó có cơ hội sở hữu nhà.
Phương Anh Linh