Trang tin của Hồng Kông dẫn nguồn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng mặc dù tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam cao thứ 2 Đông Nam Á với 24,5/100.000 trường hợp, con số này thậm chí còn cao hơn nhiều nếu không áp dụng luật đội mũ bảo hiểm .
Viện Vật lý Mỹ (AIP) ước tính quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã cứu sống 15.000 người kể từ khi được ban hành.
Theo SCMP, trước khi quy định nói trên có hiệu lực vào tháng 12-2007, rất ít người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ người dân chấp hành đã đạt hơn 90% nhờ việc thực thi quy định nghiêm ngặt từ ban đầu, bên cạnh các chương trình tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân và học sinh.
Đây được xem là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa Việt Nam với nhiều quốc gia đang phát triển khác có xe máy là phương tiện giao thông phổ biến, chẳng hạn như Thái Lan. Theo SCMP, Thái Lan ban hành quy định bắt buộc người lái xe đội mũ bảo hiểm vào năm 1994 và hành khách vào năm 2007 nhưng việc thực thi quy định lỏng lẻo không mang lại hiệu quả mong đợi khi tỉ lệ người chấp hành chỉ là 44%.
Qua đó, Việt Nam cho thấy chỉ thay đổi luật lệ thôi là chưa đủ và việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông đòi hỏi nỗ lực chung giữa các cơ quan chính phủ cùng với các tổ chức khác, theo SCMP.
Đây được xem là một mô hình của Việt Nam và nó đã được AIP áp dụng vào các chương trình của họ ở Campuchia và Uganda.
Ông Ivan Small, một chuyên gia nhân học tại trường ĐH Central Connecticut State (Mỹ), cho rằng sự phổ biến rộng rãi của mũ bảo hiểm là điều không ai có thể ngờ tới cách đây 10 năm.
"Rất nhiều quy định an toàn, từ đèn giao thông, làn đường cho xe máy đến luật đội mũ bảo hiểm, không được nhiều người tin là sẽ được áp dụng thành công" – ông Small khẳng định.