Dawn cho biết, nền kinh tế Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô nghiêm trọng trong một thời gian. Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để "hồi sinh". Bởi vì, nhiều quốc gia có thành tích tốt nhất trong khu vực đều có xuất phát điểm ở mức thấp và đã có thể bắt tay vào con đường tăng trưởng kinh tế bền vững sau khi ban hành các cải cách cần thiết. Nền kinh tế Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công như vậy.
Vào giữa những năm 1980, Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200-300 USD. Phải đến những năm 1986, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu có những thay đổi tích cực, từ một nền kinh tế nghèo trở thành một nền kinh tế thịnh vượng, Việt Nam đã áp dụng một loạt các cải cách kinh tế nhằm tăng cường vai trò của khu vực tư nhân và mở cửa đất nước cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 12 lần trong giai đoạn 1985 - 2020, đạt trên 2.800 USD. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo (1,90 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 2%.
Theo Ngân hàng Thế giới, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đến từ ba yếu tố chính. Trước hết, Việt Nam đã vô cùng tích cực tham gia các hiệp định tự do hóa thương mại. Việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Á và phương Tây báo hiệu quá trình từng bước tự do hóa thương mại của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương với 72 quốc gia và xây dựng mối quan hệ thương mại với 165 quốc gia.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam ký kết và hợp tác 12 FTA song phương và đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được thành lập và Việt Nam là một thành viên tích cực của hiệp ước. Ước tính, Hiệp định này dự kiến sẽ bao phủ 30% dân số thế giới, tạo ra 500 tỷ USD thương mại quốc tế và mang lại 209 tỷ USD cho doanh thu toàn cầu vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hưởng lợi từ chính sách "mở cửa" và dần phát triển thành một trung tâm sản xuất, với sự hiện diện của các "ông lớn" doanh nghiệp nước ngoài như Intel, Samsung, Adidas và Nike.
Cụ thể, cứ 10 chiếc điện thoại di động được sản xuất thì có một chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam cũng đã trở thành một nhà xuất khẩu lớn về hàng dệt may, hàng điện tử và giày dép, cùng các mặt hàng khác.
Thứ hai, không chỉ tăng cường tự do hoá thương mại với các nước, Việt Nam cũng đồng thời bãi bỏ quy định và giảm chi phí kinh doanh. Kết quả, trong cuộc khảo sát về chỉ số Kinh doanh năm 2020, Việt Nam từ vị trí 104 (2007) đã vươn lên vị trí thứ 70.
Dawn nhận xét, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã được cải thiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thực thi hợp đồng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và thương mại xuyên biên giới. Kết quả, vị trí của Việt Nam trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã từ vị trí thứ 77 năm 2006 lên vị trí thứ 67 vào năm 2019.
Thứ ba, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người và xã hội, dẫn đến phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh theo thời gian. Cụ thể, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng từ 0,682 của năm 2016 lên 0,706 vào năm 2020, trở thành một trong những quốc gia có trình độ phát triển con người cao.
Ông Muhammad Abdul Kamal, chuyên gia từ Đại học Abdul Wali Khan University (Pakistan), cho biết, Pakistan có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách làm theo mô hình của Việt Nam.
"Pakistan phải tập trung vào các cải cách theo định hướng tăng trưởng và hoạch định chính sách hợp lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Theo bước chân của Việt Nam, Pakistan nên tự do hóa thương mại và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại tiềm năng", ông Muhammad Abdul Kamal cho hay.
Ông nhấn mạnh, những cải thiện trong lĩnh vực xuất khẩu phải được thực hiện bằng cách nâng cao năng suất và sản xuất công nghiệp trong nước. Đồng thời, việc đầu tư vào con người cũng là điều cần thiết để nâng cao năng suất của lực lượng lao động.
Tham khảo: Dawn