Trang Le Petit Journal (Pháp) mới đây có bài phân tích đầy tính lạc quan cho rằng: " Việt Nam thực sự sẽ trở thành con hổ mới của châu Á". Dưới đây là nội dung của bài viết:
Hổ châu Á mới
Tới nay, châu Á có 4 "con hổ": Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc). Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu "giương vuốt" với ngọn lửa nhiệt huyết đầy bùng cháy. Vậy làm thế nào để Việt Nam dần trở thành con hổ mới của châu Á?
Nhắc đến "4 con hổ châu Á" nguyên bản, chúng ta có thể thấy rằng từ năm 1960 đến năm 1990, các nền kinh tế này ghi nhận mức tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm, và chính tốc độ này đã tạo điều kiện cho phát triển và công nghiệp hóa.
Nếu bây giờ nhìn vào trường hợp của Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng kể từ năm 1986 - năm đầu tiên của Đổi mới - tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã vào hàng cao nhất thế giới, với tốc độ bình quân 6,55%/năm cho đến năm 2019...
Do đại dịch, tỷ lệ này thấp hơn nhiều vào các năm 2020 và 2021 (2,9% và 2,58%). Tuy nhiên, đây vẫn là con số tích cực và đáng tự hào trong thời kỳ này bởi ít quốc gia có thể giữ vững mức tăng trưởng dương.
Một con số khác cần được chú ý là quốc gia này đã nỗ lực đưa GDP bình quân đầu người tăng gấp 3,7 lần và giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói - tất cả chỉ sau khoảng thời gian hai thập kỷ.
Kinh tế Việt Nam: Phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022
Năm 2022 là giai đoạn phục hồi. Ở Việt Nam, sự phục hồi này đặc biệt mạnh mẽ và nhanh chóng tới độ tạp chí Business Times nhận định rằng trong năm Canh Dần này, Việt Nam có thể trở thành con hổ mới của châu Á... Business Times ghi nhận những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự trỗi dậy của một tầng lớp cực kỳ giàu có ở Việt Nam - những người đang sở hữu căn hộ cao cấp, xe thể thao hào nhoáng,...
Trên thực tế, người Việt Nam đã sớm chuyển từ đi xe đạp sang xe máy, và bây giờ từ xe máy sang ô tô. Việt Nam cũng đã bắt đầu tự sản xuất ô tô, nổi bật là thương hiệu Vinfast…
Việt Nam cũng có vẻ rất năng động trong lĩnh vực khởi nghiệp và gia công phần mềm, đến mức đang dần có những thành tựu đáng nể trong các lĩnh vực này, so với các nước Đông Nam Á khác.
Một lĩnh vực khác mà Việt Nam đang chú trọng là năng lượng tái tạo. Đặc biệt, năng lượng mặt trời là một ngành rất có triển vọng cho đất nước.
Việt Nam phát triển "như tên lửa"
Quay trở lại với 4 "con hổ châu Á" ban đầu, có thể nói ở những quốc gia này, công nghiệp hóa đã giải phóng nền kinh tế khỏi việc nhập khẩu, như trang Investopedia phân tích. Ban đầu, số lượng sản xuất được chú trọng hơn cả, và sau đó chất lượng cũng dần được nâng cao, mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế.
Còn trường hợp của Việt Nam thì sao? Đất nước này hiện là một trong những quốc gia cạnh tranh nhất hành tinh, và ngành công nghiệp của Việt Nam sở hữu tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Có thể thấy sự tương đồng với 4 con hổ châu Á nguyên bản tại đây.
Vẫn theo đánh giá của Investopedia, 4 con hổ châu Á của thế kỷ 20 rõ ràng đều hướng tới thương mại tự do, và do đó hướng tới xuất khẩu…
Cần nhớ rằng Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, và về xuất khẩu, Việt Nam đã khép lại năm 2021 với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, một minh chứng không thể rõ ràng hơn.
Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh), ngành sản xuất ghi nhận mức tăng rất mạnh ở Việt Nam vào tháng 1/2022. Cơ quan xếp hạng Fitch Credit cũng dự đoán một tương lai tươi sáng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, và nếu kết hợp các báo cáo này lại, thì có thể thấy Việt Nam đang dần hoá thân thành hổ trong năm Canh Dần.
Nhìn vào kết quả kinh tế hiện tại, khó có thể tin rằng Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới chỉ hơn 3 thập kỷ trước.
Ngay cả năm 2021, đồng nghĩa với suy thoái ở nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn không phải trải qua thời kì quá tồi tệ. Quốc gia này đã làm được nhiều điều và đã ngẩng cao đầu với mức tăng trưởng khiêm tốn nhưng tích cực: 2,6%.
Còn trong năm 2022, với chính sách tiền tệ linh hoạt, triển vọng tăng trưởng rất có thể sẽ là 8%, đúng như vậy đấy!