Đại sứ CHLB Đức tại Philippines, bà Anke Reiffenstuel, nhận xét rằng Philippines sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam, vốn được biết đến với những điều khoản thân thiện và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại diễn đàn kinh doanh Đức – Philippines gần đây, vị đại sứ cho biết khi Đức tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu vào nửa cuối năm ngoái, họ đã ưu tiên việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương với từng quốc gia ASEAN hơn là hướng đến một FTA mang tầm khu vực.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được EU ký kết với Việt Nam (EVFTA) là minh chứng rõ nhất cho chiến lược đó.
Bà nhận định: "Việt Nam được đánh giá là một đối thủ đáng lưu ý trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá cao về cách tiếp cận và các chính sách rộng mở chào đón các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu tính trong phạm vi khu vực thì Malaysia và Singapore cũng không hề kém cạnh".
Các quốc gia kể trên, bao gồm cả Việt Nam, được biết đến với nhiều chính sách cải cách cũng như chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Các chính sách đó bao gồm giản lược thủ tục hành chính, đơn giản hóa đăng ký kinh doanh, các chính sách ưu đãi về thuế…
Trong khi đó, vị đại sứ cũng cho biết các nhà đầu tư Đức đang có thái độ do dự khi tính đến phương án lựa chọn đầu tư vào Philippines. Những thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp Đức phải đối mặt tại quốc gia này là về chính sách kinh tế, tỷ giá hối đoái, lao động lành nghề và mối lo về cơ sở hạ tầng. Mặc dù đã có cải thiện, tuy nhiên môi trường kinh doanh vẫn được đánh giá chưa cao. Các nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo ngại về việc ngừng các ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, bà cũng nhận xét Philippines đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và ổn định. Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh của quốc gia này còn được thể hiện ở khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, có tương quan về văn hóa với các nước EU và sở hữu một thị trường quy mô lớn với dân số 110 triệu người. Điều này khiến Philippines có phần nhỉnh hơn Indonesia hay Việt Nam trong tiếp cận các nhà đầu tư châu Âu.
Với việc nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã trở thành nước thứ hai trong khu vực Đông Nam Á sở hữu một hiệp định FTA với EU, bên cạnh Singapore.
Đây cũng được coi là bước tiến mới trong chiến lược tăng cường liên kết thương mại với các nước ASEAN của EU, vốn đã được đem ra bàn luận nhiều lần trong các chương trình nghị sự trong vòng 5 năm trở lại đây.