Thời báo Ấn Độ cho rằng bởi sự điều tiết khéo léo của Chính phủ Việt Nam trong chính sách kinh tế vĩ mô -bao gồm lạm phát, GDP, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối nhằm giảm xu hướng bất lợi phát sinh từ đại dịch - đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt ở Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam đã kịp thời thích ứng linh hoạt và điều chỉnh tốt chính sách kinh tế vi mô ứng phó với những thách thức phát sinh từ đại dịch Covid-19.
Thời báo Ấn Độ đã đưa ra những nhận định hết sức khách quan về vấn đề thích ứng linh hoạt trong chính sách kinh tế, giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19. Khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp quyết đoán nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhằm đảm bảo thời gian phong tỏa ở mức tối thiểu và hạn chế các tác động tiêu cực về cả sức khỏe lẫn kinh tế. Tác giả bài viết S D Pradhan cho rằng việc áp dụng các biện pháp chống dịch thành công trong quá trình kiểm soát Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức thấp. Và từ đó mang đến cơ hội hồi phục và phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát tại Việt Nam cũng được kiểm soát tốt do Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện các biện pháp quyết đoán từ kiểm soát thanh khoản thị trường đến kết hợp linh hoạt các chính sách tài khóa và miễn – giảm thuế - phí đối với các mặt hàng thiết yếu chiến lược. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lạm phát trung bình là 3,1% trong thời kỳ hậu đại dịch. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát chung là 3,76%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% đặt ra. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao và lạm phát toàn cầu được dự đoán trong khoảng từ 7,25 đến 9,4% cho năm 2022. Ngoài ra, theo Thời báo Ấn Độ, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp tốt để giữ tốc độ tăng trưởng GDP. Bất chấp Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường, tăng trưởng đạt 2,9% trong năm 2020 – một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, mức tăng trưởng đạt 8,02% - cao hơn mức tăng trưởng trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019.
"Đây là một trong số những thành tựu phi thường. Tốc độ tăng trưởng này đã vượt qua đánh giá của Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển châu Á. Đến cuối năm 2022, tăng trưởng GDP của đất nước đã đạt 363 tỷ USD, lọt vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới", tác giả S D Pradhan nhận định.
Trang Thời báo Ấn Độ cho rằng những ưu tiên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời nhận diện các rủi ro để đưa ra các giải pháp giải quyết khả thi, bao gồm chính sách tài chính, tiền tệ đã giúp Việt Nam nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Việt Nam truyền cảm hứng cho quốc tế
Thời báo Ấn Độ cũng chỉ ra Việt Nam đã nỗ lực tăng cường sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Năm 2022, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, khu vực dịch vụ tăng 9,99%, khu vực nông nghiệp tăng 3,36% và doanh thu bán lẻ tăng 19,8%. Các ngành sản xuất và dịch vụ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thể hiện sự thành công của những nỗ lực này ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào quá trình số hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Đây là hành động quan trọng góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Một số bước theo hướng này đang tỏ ra hữu ích cho các doanh nhân.
Tiếp theo, Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực tăng cường thương mại quốc tế. Thời báo Ấn Độ trích dẫn thống kê từ Bộ Công Thương Việt Nam (MIT) cho biết trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã đạt đỉnh mới 700 tỷ USD vào giữa tháng 12/2022. Con số này vượt xa giá trị của năm 2021 (668,5 tỷ USD) - báo hiệu những tiềm năng mới cho Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 730 tỷ USD, xuất siêu trên 10 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 10,6% so với năm 2021. Điều quan trọng, đánh dấu mốc 7 năm liên tiếp Việt Nam duy trì xuất siêu. Với cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối thuận lợi, Việt Nam sẵn sàng đối phó với những bất ổn trong hệ thống quốc tế.
Và cuối cùng, trang báo Ấn Độ cũng đánh giá cao Việt Nam trong nỗ lực giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Động thái này đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng về mức trước Covid-19 vào năm 2022, mặc dù nhu cầu toàn cầu yếu hơn dẫn đến các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong Quý 4/2022, đồng thời tạo ra áp lực mới cho thị trường lao động.
Thời báo Ấn Độ đánh giá cao việc quản lý chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và chính điều này đang truyền cảm hứng mạnh mẽ, là hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý đến những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường quốc tế trong bối cảnh hiện tại.
"Thị trường quốc tế đầy biến động cùng với nỗ lực của các quốc gia đang làm giảm đi nhu cầu nhập khẩu đáng kể sau Covid-19 sẽ là những trở ngại có thể xảy ra đối với thước đo tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì vậy, các chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ quốc gia sẽ cần phải tiếp tục điều chỉnh linh hoạt trong thời gian tới", tác giả bài viết S D Pradhan nhận định.