Mặc dù đang ngồi trên chiếc thuyền nhỏ cách bờ chỉ khoảng 300m, tôi và con trai có thể cảm nhận rõ không khí của một chuyến phiêu lưu khi hướng dẫn viên chậm rãi chèo thuyền trên mặt hồ phẳng lặng. Xung quanh không có một chiếc thuyền nào đi tới cả, cảnh vật được bao phủ bởi những tấm rừng xanh bạt ngàn.
Liếc nhìn cảnh vật quanh bờ, chúng tôi ngạc nhiên khi không thấy bóng dáng của một loài chim nào, thậm chí cả trâu cũng không. Lý do có thể được gợi ý qua cái tên của hồ - Bàu Sấu (Crocodile Lake) – là nơi sinh sống của nhiều quần thể cá sấu Xiêm (Siamese crocodile). Những con cá sấu này có kích thước khá khiêm tốn, chỉ dài khoảng hơn 3 mét với con trưởng thành, và có thể đang ẩn nấp đâu đó xung quanh khu vực này.
Cách đó không xa là trạm kiểm lâm có cấu trúc 2 tầng bằng gỗ cùng với rào chắn và nằm ở vị trí rất thoáng để du khách có thể ngồi lại và thưởng lãm cảnh vật xung quanh. Trước đó, từ vị trí này, chúng tôi đã quan sát được một chú cá sấu ngoi đầu lên khỏi mặt nước. Tuy nhiên bây giờ sự chú ý của chúng tôi lại đổ dồn vào một cơn bão sắp ập tới từ phía xa, mang theo những cơn mưa xối xả.
Một trận lũ lớn là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi chuyến đi của chúng tôi diễn ra vào cao điểm của mùa mưa. Những đợt mưa dày kết hợp với với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, được bảo tồn bởi đội ngũ kiểm lâm, nhân viên tại đây.
Tuy nhiên vẫn có một số loài khác có lượng cá thể suy giảm hoặc biến mất hoàn toàn. Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi đồi Hổ (Tiger Hill), một quả đồi thấp nằm không xa Bàu Sấu. "Đã từng có hổ sinh sống ở đó, tuy nhiên bây giờ thì không còn nữa rồi", anh hướng dẫn viên nói.
Số lượng cá thể cá sấu Xiêm ở Cát Tiên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, tuy nhiên các nhà bảo tồn đã vào cuộc quyết liệt và một quần thể cá sấu hiện đang sinh sống ở đây là một kết quả đáng ghi nhận. Số cá sấu đang có mặt tại đây đã lên tới con số 300 và góp phần rất lớn trong việc bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này – vốn đang có tên trong sách đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên thiên thế giới, với chỉ dưới 1.000 cá thể ngoài tự nhiên.
Trải nghiệm thú vị
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm ở phía nam Việt Nam, với hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú, là điểm đến lý tưởng để du khách có thể quan sát đời sống hoang dã của sinh vật nơi đây, đặc biệt là vào mùa mưa. Với diện tích 720 km2, bằng 2/3 diện tích của Hong Kong, năm 2001 vườn Cát Tiên đã được UNESCO xếp hạng thứ 411 trong tổng các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nơi đây đã ghi nhận sự xuất hiện của 351 loài chim, cùng với hơn 120 loài bò sát và lưỡng cư, 105 loài thú – bao gồm các loài voi châu Á, nai, cầy mangut, sóc, tê tê, báo gấm…
Chúng tôi hướng lại về phía con đường hẹp thông qua khu rừng đã dẫn chúng tôi đến đây. Những dòng nước chảy xuống từ các tán cây trên cao cũng như từ các bụi tre và lùm cây là điều thu hút sự chú ý đầu tiên. Chúng tôi nghỉ chân ở một gốc cây tùng to lớn hùng vĩ, với gốc cây to ngang một chiếc xe bus mini vậy. Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi quan sát một chú khỉ đang đu trên cành cây cách mặt đất khoảng 30m.
Đó là một cá thể của loài Voọc chà vá chân đen – vốn được biết đến với lưng, bụng và má màu trắng, cùng với một chiếc đuôi dài. Chú ta ngừng lại trong giây lát để quan sát chúng tôi rồi lại vụt biến mất trong lùm cây.
Quay trở lại trụ sở chính với chiếc xe jeep lăn bánh trên con đường đất đầy bùn, chúng tôi có thể tận hưởng cảnh sắc khu rừng với những tán cây hùng vĩ. Có một buổi tôi và con trai còn quyết định thuê xe đạp và tự khám phá con đường đầy những rãnh nước sau cơn mưa, tiến về hướng Bàu Sấu.
Ở đây còn có một khu riêng dành cho các loài gấu và vượn. Vào một buổi sáng, chúng tôi bắt gặp một chú vượn đang ngồi trên cành cây cao – với màu vàng cam nổi bật giữa tán cây xanh – cất tiếng hót réo rắt gọi bầy, vốn là một thứ âm thanh đặc trưng của vùng rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á.
Trụ sở chính của ban quản lý Vườn quốc gia này, nơi chúng tôi nghỉ chân, nằm phía bên kia sông Đồng Nai. Muốn tới đó, du khách cần bắt một chuyến đò từ bên kia sông. Tận hưởng quang cảnh xung quanh khi đi đò cũng là một trải nghiệm thú vị, tuy nhiên vào mùa mưa lũ thì bạn nên cẩn thận, bởi nước sông sẽ dâng cao và chảy xiết hơn so với mọi khi.
Nhà báo Martin Williams chuyên viết về lĩnh vực bảo tồn và môi trường.