Bloomberg đưa tin: Tập đoàn Vingroup Việt Nam đã từ bỏ kế hoạch ra mắt thương hiệu hàng không để tập trung vào các ngành kinh doanh khác, trong đó bao gồm hoạt động sản xuất xe điện.
Hãng hàng không nội địa Việt Nam đã phục vụ 55,3 triệu hành khách trong năm 2019, tăng 11,3% so với năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
"Thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có nhiều hãng hàng không lớn đang hoạt động", Phó chủ tịch Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang cho biết trong một tuyên bố qua email. "Khoản đầu tư mạnh của Vingroup vào hàng không có thể dẫn đến tình trạng dư cung".
Các nhà phân tích của Simple Flying cho rằng thị trường Việt Nam đang thực sự đạt đến điểm bão hòa. Lưu lượng hành khách trong năm 2019 đã tăng 12% so với năm trước, ở mức 116 triệu hành khách, tắc nghẽn tại các sân bay đang bắt đầu trở thành một vấn đề.
Tập đoàn Vingroup năm ngoái đã công bố kế hoạch gia nhập vào "bầu trời đang bắt đầu chật chội" của hàng không Việt Nam và vào tháng 8, Cục Hàng không Dân dụng cho biết Vingroup đã có đủ điều kiện để bắt đầu dự án này.
Chuyên trang hàng không Simple Flying nhận định vào ngày 14/1: "Là tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, có nhiều sự kỳ vọng rằng Vingroup có thể làm nên thành công lớn trong việc kinh doanh hàng không. Giống như Tập đoàn Tata Sons ở Ấn Độ đã làm với Vistara, hãng hàng không của Vingroup sẽ có sự hỗ trợ tài chính đáng kể để cạnh tranh trong thị trường Việt Nam ngày càng đông đúc, một thị trường được xác định là tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập kỷ tới".
Lẽ ra, kế hoạch là Vinpearl Air sẽ bắt đầu dịch vụ vào mùa hè này. Vingroup, kinh doanh trong rất nhiều lĩnh từ bất động sản sản xuất ô tô - với nhãn hiệu ô tô mới có tên VinFast, giờ đây sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ và sản xuất, theo tuyên bố.
Quyết định ngừng đầu tư vào hàng không phù hợp với các chiến lược của công ty được công bố trước đó vào năm 2018, nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp - tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi, bao gồm công nghệ và sản xuất, bản báo cáo cho biết .
"Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các Công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình", ông Quang nói trong tuyên bố. "Vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".
Chủ tịch Công ty Phạm Nhật Vượng nói với Bloomberg hồi tháng 12/2019 rằng ông sẽ đầu tư 2 tỷ USD của mình để xuất khẩu xe điện VinFast (VinFast EVs) sang Mỹ và các thị trường khác vào năm 2021. VinFast, có nhà máy khánh thành vào năm ngoái, hiện đã đang bán một dòng xe tay ga điện.
Vingroup sẽ thoái vốn tại một số đơn vị để tài trợ cho VinFast, trong khi các công ty con khác đã được yêu cầu cắt giảm chi phí. VinFast cũng sẽ tìm kiếm nhiều khoản vay hơn ngoài khoản tài trợ quốc tế 1,95 tỷ USD mà họ đã huy động được.
Năm 2018, Vingroup đã bắt đầu đơn vị VinSmart để sản xuất điện thoại thông minh.
Bloomberg cho rằng, nếu tham gia vào ngành hàng không, Vinpearl Air sẽ phải cạnh tranh với Vietnam Airlines Corporation - công ty sở hữu 70% cổ phần của công ty khai thác hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines, cũng như các hãng hàng không như VietJet Aviation JSC và Bamboo Airways bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm ngoái. Vietnam Airlines cũng sở hữu Vietnam Air Services Co., được gọi là Vasco. Tập đoàn Thiên Minh cũng dự kiến sẽ có mặt trên bầu trời với hãng hàng không Kite Air. Với sự rút lui của Vinpearl Air, có khả năng thị trường hàng không Việt Nam sẽ bớt nóng hơn so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, quyết định nói trên không ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo phi công của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.