Mới đây, trong các ngày 14/1 và 15/1, tại Tonga và các quốc gia lân cận đã ghi nhận hai lần phun trào của núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai gây ra sóng thần.
Theo tài khoản Twitter US StormWatch chuyên theo dõi và cập nhật các hiện tượng tự nhiên cực đoan, vụ phun trào núi lửa ở Tonga được đánh giá là "một trong những vụ phun trào núi lửa dữ dội nhất từng được vệ tinh ghi lại."
Theo kết quả quan trắc mới nhất, trung tâm cảnh báo sóng thần thuộc Bộ Tài nguyên Tonga cho biết vụ phun trào núi lửa thứ 2 trong ngày 15/1 đã gây ra sóng thần xuyên đại dương, ảnh hưởng đến toàn bộ các vùng biển ở Thái Bình Dương.
Ảnh: CGTN
Các quốc gia như Chile, Nhật Bản và New Zealand thuộc khu vực biển Thái Bình Dương đã ghi nhận các đợt sóng thần lớn, với biên độ sóng thần tối đa là 1,5 mét.
Trang Sina của Trung Quốc cho biết núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã từng phun trào nhiều lần trong các năm 2014, 2015, 2019 và 2021; và sau 2 đợt phun trào vào 2 ngày 14-15/1, núi lửa này vẫn tiếp tục hoạt động. Dựa trên phân tích thống kê từ các sự kiện trước đó, đợt phun trào hiện tại của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
Núi lửa ở Tonga phun trào, tro bụi cao tới 20 km
Sina trích dẫn thông tin được đăng tải trên trang Chinanews.com, ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã phun trào dữ dội vào chiều ngày 15/1, với cột tro núi lửa có đường kính khoảng 5km, cao tới 20km. Trong đêm ngày 15/1, tro núi lửa vẫn tiếp tục rơi xuống gây mất điện và khiến mạng lưới thông tin liên lạc của địa phương bị gián đoạn.
Đợt phun trào cũng gây ra sóng thần cục bộ, buộc người dân địa phương phải nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tro núi lửa và hơi nước bốc lên trên mặt biển. Quốc đảo Fiji cách Tonga khoảng 800 km cho biết vụ phun trào kéo dài khoảng 8 phút và dữ dội đến mức tiếng động nghe như "tiếng sấm rền". Người dân New Zealand ở cách Tonga khoảng 2.000 km cũng cho biết họ nghe thấy tiếng nổ lớn vào thời điểm ngọn núi lửa ngầm phun trào.
Sina cho hay, ở nơi xa như Alaska cũng có thể nghe thấy tiếng động lớn từ vụ phun trào.
Cơ quan Khí tượng Tonga cho biết toàn bộ Tonga đang bị đe dọa bởi sóng thần, mưa lớn, lũ lụt và gió mạnh. Các đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sóng lớn tràn vào nhà dân. Một người dân Tonga kể lại: "Căn nhà của chúng tôi rung chuyển, và sau đó sóng ập đến. Anh trai tôi nghĩ là do một quả bom phát nổ gần đó".
Theo Sina, có thông tin cho rằng, quy mô của vụ phun trào núi lửa rất lớn, và năng lượng giải phóng tương đương khoảng 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật năm 1945.
Tuy nhiên, tài khoản Twitter Pompiers de France thì ước tính mức năng lượng giải phóng bằng khoảng "100 lần" quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima. Hiện tại, giới chức địa phương và giới khoa học vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin này.
Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia phát cảnh báo sóng thần
Chinanews cho biết, Nhật Bản, Fiji và hầu hết các quốc gia khác ở Vành đai Thái Bình Dương đã lần lượt phát cảnh báo sóng thần sau vụ phun trào dữ dội của núi lửa ngầm ở Tonga.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng vụ phun trào đã gây ra một trận động đất tương đương với cường độ 5,8 độ richter.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết sóng thần cao 1,2 m tràn vào các đảo Amami Oshima và Tokara ở phía Nam vào khoảng 23h55' ngày 15/1 (giờ địa phương), đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện sóng thần cao 3m ở những khu vực này trong ngày 16/1. Ít nhất 210.000 người ở 7 tỉnh ( gồm Aomori, Iwate, Miyagi, Chiba, Kochi, Miyazaki và Kagoshima) đã nhận cảnh báo tránh xa bờ biển.
Hình ảnh vụ phun trào chụp từ vệ tinh
Nhà khí tượng học người Mỹ Jared Silverman nhận định ông chưa từng thấy vụ phun trào nào đáng sợ như vụ vừa xảy ra ở Tonga.
Giáo sư Shane Cronin, một nhà khoa học núi lửa thuộc Đại học Auckland, New Zealand, nhận định đây là một trong những đợt phun trào lớn nhất ở Tonga trong 30 năm qua, đáng chú ý là tốc độ và cường độ lan rộng của các đợt phun trào này lớn hơn những lần trước. "Tôi ước tính tro bụi rơi ở Tonga đã dày vài cm", Giáo sư Cronin cho biết.