Bất ổn thương mại đang thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư và nhà kinh tế học rõ ràng sẽ không thể dự đoán được hoàn toàn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đi về đâu, và có thể có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới. Nhưng kể cả như vậy, sự chuyển dịch này cũng có thể có lợi, tùy thuộc vào việc ai sẽ nắm bắt được điều đó.
Chiến tranh thương mại sẽ xảy ra khi một quốc gia áp dụng các biện pháp bảo hộ, áp thuế nhập khẩu để bảo vệ lao động và các ngành công nghiệp trong nước. Một động thái như vậy thường khuyến khích giá sản xuất hàng hóa trong nước giảm, khiến chúng trở nên cạnh tranh hơn một cách tương đối với hàng nhập khẩu. Nhưng nó cũng làm chậm tăng trưởng ở những quốc gia liên quan và trên toàn cầu, bắt nguồn từ sự kém hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực.
Tổng thống Donald Trump cho đến nay đã áp thuế 25% vào một số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, lên tới khoảng 300 tỷ USD. Về phần mình, Trung Quốc cũng không vừa khi đáp trả khoản thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Hậu quả tức thời có thể thấy là hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 8,5% trong tháng 5 năm 2019, so với cùng kỳ năm trước. Các dự báo từ Trung Quốc cũng cho thấy, xuất khẩu - đặc biệt là sang Mỹ - được dự đoán sẽ ghi nhận mức giảm tương tự. Một số công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, như Apple, dự kiến sẽ rời khỏi quốc gia này để tìm kiếm thị trường có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như Việt Nam. Và tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ suy yếu khoảng 0,5% vào năm 2020 xuống còn 2,6% - mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Thoạt nhìn, Việt Nam và Mexico có vẻ là những người hưởng lợi chính của cuộc chiến thương mại. Mexico có xu hướng gần gũi với Mỹ và có quan hệ thương mại song phương với Washington. Việt Nam đã trở thành một điểm đến thay thế tiềm năng cho các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc và bứt phá trong cuộc đua xuất khẩu sang Mỹ.
Tất nhiên, ta cũng không quên Đông Nam Á còn nhiều quốc gia khác, trong đó có Indonesia. Chỉ có điều, tiềm năng trong tương lai của quốc gia này sẽ đòi hỏi một số quyết sách kinh tế sáng tạo và hướng ngoại hơn. Hiện tại, Indonesia chưa thực sự tận dụng được lợi thế như Việt Nam đã làm.
Thứ nhất, các nhà đầu tư hiện không hướng tới các nước châu Á đang phát triển như Indonesia để bổ sung cho sự suy giảm của Trung Quốc. Ba tháng đầu năm 2019, Indonesia chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ 10,5 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm 2018 xuống còn 5,4 tỷ USD vào cuối tháng 3 năm nay. Thứ hai, sự suy giảm của Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Indonesia còn đe dọa sẽ giảm đầu tư nước ngoài hơn nữa và tác động đến xuất khẩu hàng thô như dầu cọ, gỗ, cao su và than.
Vì vậy, để tận dụng được lợi thế, Indonesia cần suy nghĩ đến việc theo đuổi các thỏa thuận hợp tác thương mại khu vực với các nước khác, như Việt Nam đã làm. Những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ và sự chậm lại của Trung Quốc có thể được bù đắp thông qua các hiệp định đảm bảo khối lượng xuất nhập khẩu giữa các quốc gia đang phát triển Châu Á. Chỉ cần nhìn vào các thỏa thuận của Liên minh Châu Âu với Mexico và Nhật Bản, những điều này đã làm giảm hoặc chấm dứt thuế quan đối với hầu hết tất cả hàng hóa.
Indonesia cũng cần duy trì dòng vốn nước ngoài và giữ tỷ giá hối đoái ổn định. Ngân hàng Indonesia dự đoán cán cân thanh toán của quốc gia này sẽ tiếp tục tăng mạnh miễn là được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai - hiện khoảng 2,5 đến 3% GDP. Vào tháng Hai, Indonesia đã ghi nhận thặng dư cán cân thương mại là 0,33 tỷ USD. Trong cùng tháng đó, ngân hàng trung ương cũng ghi nhận một dòng vốn không cư trú là 6,3 tỷ USD.
Cuối cùng, Indonesia cần khuyến khích nhiều ngành sản xuất xuất khẩu hơn. Các công ty này cần một quy mô sản xuất đủ để họ có thể lấp đầy khoảng trống mà các sản phẩm Trung Quốc để lại. Vì vậy, trong khi có nhiều điều đáng suy ngẫm về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có một điều chắc chắn đối với Indonesia: họ có thể nắm bắt được lợi ích hay không phụ thuộc vào chính họ.