Chính phủ Việt Nam vừa có văn bản kết luận cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác.
Cụ thể, từ ngày 15/9 sẽ triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei).
Từ ngày 22/9 triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).
Tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng với số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên sẽ không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba. Do vậy, với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay.
Hành khách sẽ được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly, được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Quản lý tại văn phòng Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc tại TP HCM, ông Shin Jee-hoon hoan nghênh động thái này, đồng thời chỉ ra rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của Hàn Quốc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 68,3 tỷ USD vào Việt Nam, tương đương với 18,1% tổng vốn đầu tư vào Nam, giữ vững vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Ông Shin Jee-hoon nói thêm: "Điều đáng tiếc là do đại dịch Covid-19, hiện nay nhiều dự án đầu tư đã bị đình chỉ do các nhà đầu tư lớn không thể vào Việt Nam. Doanh nhân và các nhà đầu tư Hàn Quốc cần đến Việt Nam để khảo sát các khu đất cho các dự án, hoặc gặp gỡ trực tiếp và trao đổi về thương vụ".
Dự kiến thời gian Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế trùng với ngày Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đến thăm đất nước để thảo luận về biện pháp hợp tác đối phó với đại dịch và các vấn đề song phương khác.
Mặc dù là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng triển vọng kinh tế của đất nước lại đang ở mức tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm, với dự kiến tăng trưởng từ 2 đến 2,5% trong năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, doanh thu du lịch giảm 54,4%.
Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ với 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội doanh nghiệp trong các lĩnh vực bao gồm: du lịch, nông nghiệp và sản xuất nhựa vào tháng trước, làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã giảm quy mô của gần một nửa doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, 33% doanh nghiệp đã buộc phải cho hơn một nửa nhân viên thôi việc. Đặc biệt, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhìn chung, 76% doanh nghiệp cho biết không thể cân đối thu chi, 20% buộc phải tạm dừng hoạt động và 2% doanh nghiệp đã giải thể. Chỉ có 2% doanh nghiệp nêu rằng họ tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là cho đến cuối năm nay. Theo ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore) nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất được dự báo sẽ không suy thoái trong năm nay.
"Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên mở lại biên giới, giúp nâng cao uy tín trên trường quốc tế", ông Hiệp chỉ rõ.
Đại diện viện ISEAS nói thêm: "Việt Nam mong muốn mở lại biên giới cho các 'đối tác an toàn' vì điều nay có thể giúp phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, du lịch xuyên biên giới vẫn chưa thể thực hiện được, nên động thái này không nhằm mục đích 'vực dậy' ngành du lịch".
Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định Chính phủ đã phải xem xét nghĩ về việc mở lại biên giới đất nước. Lý giải về điều này, ông cho biết, Chính phủ phải kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ vì "khủng hoảng sức khỏe cộng đồng sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, không phải hướng ngược lại".
Ông Vũ Thành Tự Anh khẳng định: "Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tiêu dùng công, đóng góp 2/3 GDP. Do vậy, thay vì dựa vào du lịch, việc tập trung vào thị trường nội địa vẫn sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế".
Cố vấn của các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề của chính phủ, Giám đốc chi nhánh Vriens & Partners tại Hà Nội, ông Samuel Pursch bày tỏ sự tán thành về kế hoạch của Chính phủ trong việc nổi lại các đường bay, mặc dù nhiều đối tác của ông ở Singapore và các nước EU sẽ không được hưởng lợi từ điều này.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng đã tiến hành mở cửa lại biên giới cho du khách quốc tế, thông qua các thỏa thuận 'bong bóng du lịch'.
Tiến sĩ Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam kết luận: "Sẽ không thể có 'rủi ro bằng 0' khi bắt đầu nối lại các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể kiểm soát để đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội cũng như không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của cộng đồng".