Chuyên gia truyền thông Tô Châu, 34 tuổi, đã suy nghĩ về việc có con kể từ khi cô và chồng mua được nhà ở TP.HCM hai năm trước. Nhưng cô vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng, về mặt tinh thần và nhiều mặt khác.
Chính phủ mới đây đã ra Quyết định, nhằm tăng tỷ lệ sinh bằng cách khuyến khích nam nữ thanh niên Việt Nam kết hôn trước tuổi 30 và sinh con trước 35 tuổi. Song, điều này không thay đổi suy nghĩ của Châu là bao.
"Tôi thấy chính sách bây giờ dường như đang tập trung vào việc hỗ trợ người lập gia đình sớm chứ không phải là phạt người lập gia đình muộn; Quyết định này không có nghĩa là bạn sẽ bị phạt nếu bạn không đáp ứng được tỷ lệ sinh", cô nói.
Việt Nam, với dân số 96 triệu người, đã đưa ra Quyết định này nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và chống lại các vấn đề xã hội liên quan đến dân số già.
Tỷ lệ sinh của Việt Nam, kể từ sau Đổi Mới năm 1986, đã giảm từ khoảng 4 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 1986 xuống còn 2.09 ngày nay, theo Ngân hàng Thế giới. Con số này là dưới mức 2.1 cần thiết để duy trì ổn định dân số tự nhiên mà không cần đến các hình thức tăng dân số cơ học (di dân). Một yếu tố tạo ra tỷ lệ sinh giảm, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), là chính sách Kế hoạch hóa gia đình được thực hiện vào năm 2004, khuyến khích các cặp vợ chồng có không quá 2 con.
Hiện nay, tỷ lệ sinh ở từng vùng trên cả nước cũng khác nhau. Ở thành thị, tỷ lệ này là 1,83 trẻ em trên một phụ nữ, trong khi ở nông thôn, tỷ lệ này là 2,26. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế của Việt Nam, có tỷ lệ sinh 1,39, thấp nhất trên cả nước. Giáo dục cũng là một yếu tố tác động đến tỷ lệ sinh. Nghiên cứu chỉ ra phụ nữ có bằng đại học có trung bình sinh ra 1,85 trẻ em, so với con số 2,59 cho những người không được đi học, theo dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Một áp phích (phải) tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Sen Nguyễn
Quyết định mới nhất nhằm mục đích điều chỉnh tỷ lệ sinh ở cấp chính quyền địa phương, giảm tỷ lệ sinh ở những khu vực có mức sinh cao và tăng tỷ lệ này ở những nơi có mức sinh thấp. Quyết định bao gồm các hình thức hỗ trợ, chiến dịch truyền thông và các chương trình giáo dục để đạt được tỷ lệ sinh kỳ vọng vào năm 2030.
Trong số các hình thức hỗ trợ, chính quyền địa phương đã được yêu cầu hỗ trợ cho các cặp vợ chồng có hai con mua hoặc thuê nhà, trợ cấp giáo dục và ưu đãi trong việc học tại các trường công. Phụ nữ có hai con cũng được giảm thuế thu nhập cá nhân cũng như hỗ trợ khi họ trở lại làm việc sau khi nghỉ sinh, cùng với những lợi ích khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương điều hành các câu lạc bộ câu lạc bộ kết bạn trăm năm để khuyến khích những người trẻ gặp gỡ và kết hôn trước khi bước sang tuổi 30.
Trinh Nguyễn, Nhà kinh tế cấp cao ở châu Á tại Natixis, một ngân hàng Pháp, cho biết Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động chậm hơn. Mặc dù tình hình ở Việt Nam vẫn khả quan hơn so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Nhật Bản là quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới với tỷ lệ sinh khoảng 1,4, Hàn Quốc và Singapore lần lượt ở mức 0,92 và 1,14 vào năm ngoái.
"Về phương diện GDP bình quân đầu người, Việt Nam vẫn xếp sau [các nước như] Malaysia và cần phải tiếp tục phát triển trong thời gian dài để bắt kịp", cô Trinh nói. Cô cũng lưu ý thêm rằng khả năng thúc đẩy lao động giá rẻ để cạnh tranh trong thương mại toàn cầu và nhu cầu nội địa tăng nhanh của Việt Nam đã đạt đến giới hạn.
Kết quả là, bạn có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang nhìn về phía trước 30 năm, và chuẩn bị cho một Việt Nam già hóa vì lo lắng rằng Việt Nam sẽ già đi trong khi vẫn còn nghèo.
"Tăng trưởng dân số ổn định có thể góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững", bà Naomi Kitahara, Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam có dân số 96 triệu người. Ảnh: AFP
Nguyễn Quang Cường, người Hà Nội, cha của một cô con gái 8 tuổi, ủng hộ sáng kiến mới này. Cha mẹ anh sinh ra anh khi đã 42 tuổi, và anh nghĩ đây là lý do tại sao anh có vấn đề về sức khỏe bẩm sinh, trong đó có khuyết tật mắt.
Chủ cửa hàng 33 tuổi cho biết: Bạn bè của tôi và tôi đã kết hôn và có hai con trước 35 tuổi. Tôi nghĩ giai đoạn trước tuổi này rất thích hợp để nuôi dạy con cái và tăng cường năng lực tài chính để chăm sóc gia đình.
Một người dân Hà Nội khác, Nguyễn Quỳnh Anh, 26 tuổi, thủ quỹ của một công ty xe hơi, kết hôn với người yêu thời trung học của cô vào năm ngoái, kết quả của một tình yêu 7 năm.
"Kết hôn sớm sẽ cho phép những người trẻ tuổi tích lũy các kỹ năng để xây dựng gia đình, trở nên kỷ luật và hướng đến gia đình hơn. Từ đó, họ trở nên có trách nhiệm hơn với bản thân", cô nói khi cô ru đứa con 7 tháng tuổi của mình vào giấc ngủ.
Quan điểm của Quỳnh Anh phản ánh thái độ của đa phần người dân, theo một báo cáo ra mắt vào tháng trước của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc về Việt Nam. Báo cáo khảo sát hơn 14.000 đàn ông và phụ nữ ở tất cả 63 tỉnh và thành phố trong cả nước. Kết quả cho thấy 82% phụ nữ đồng ý rằng họ cần có con để cảm thấy trọn vẹn và 72% đàn ông cũng nghĩ vậy.
Giám đốc Ngô Lê Phương Linh của Trung tâm ICS, lo lắng sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng đối với sự nghiệp của phụ nữ.
"Từ giữa 25 đến 30 là khoảng thời gian khả thi để mọi người phát triển sự nghiệp. Nhưng nếu một người đàn ông có con ở độ tuổi này, anh ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi như phụ nữ", cô nói.
"Một lý do cho sự suy giảm tỷ lệ sinh trên khắp châu Á là sự bất bình đẳng giới trong các hộ gia đình", các chuyên gia cho biết, "phụ nữ vừa làm việc vừa chăm lo gia đình trong khi đàn ông tập trung vào công việc".
Một phụ nữ Việt Nam có con ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: AFP
"Ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã dần được cải thiện. Nếu năm 1990 chỉ tăng 5,1% thì năm ngoái đã tăng khoảng 7,02%. Mọi người cũng lo ngại về việc đảm bảo con cái họ có chất lượng cuộc sống tốt, thay vì chỉ đáp ứng cho chúng những nhu cầu cơ bản như những thế hệ trước", BS Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết trong một báo cáo năm 2019 của The economist Intelligence Unit.
Châu cho biết cô sẽ rất vui khi được hỗ trợ nếu cô và chồng có con. Nhưng đó sẽ không phải là nhân tố chính trong quyết định sinh con của cô.
"Ngay bây giờ, chồng tôi chỉ muốn có một đứa con vì bản thân anh cũng là con một, nhưng tôi muốn hai đứa vì [chúng] sẽ hỗ trợ nhau tốt hơn, nhất là khi chúng tôi già đi. Thật ra chúng tôi không cần Chính phủ hay truyền thông cổ vũ để hiểu điều đó", Châu nói.