Giữa làn sóng thị hiếu thay đổi và nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang chạy đua để có mặt tại đây.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills TP. HCM, đã nhận thấy sự tăng trưởng rõ rệt của lĩnh vực bán lẻ Việt Nam trong 3 năm qua. Trong khi các thương hiệu nước ngoài thường đến với người tiêu dùng thông qua các mạng lưới phân phối và bán buôn nhỏ, thì một số yếu tố đã khiến các công ty thời trang cả sang trọng lẫn bình dân đều muốn mở cửa hàng của riêng họ tại đây.
"Các thương hiệu quyết định chuyển đến Việt Nam rất có niềm tin, bắt nguồn từ thị trường du lịch phát triển", bà nói. "Họ thấy người tiêu dùng Việt Nam mua sản phẩm ở những nơi như Singapore và Hong Kong, rồi mang chúng về quê nhà".
Nhiều nhà bán lẻ từ nước ngoài đang chạy đua để có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Shutterstock
Uniqlo là cái tên mới nhất đã vào Việt Nam. Cửa hàng rộng 3.000 m2 nằm trên đường Đồng Khởi, đã ra mắt vào tháng 12.
Thông cáo báo chí từ công ty mẹ của thương hiệu Nhật Bản này - Fast Retailing, cho biết: Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng Uniqlo lớn nhất của chúng tôi ở Đông Nam Á. Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành một tâm điểm mới của thị trường bán lẻ sôi động tại TP.HCM.
Tadashi Yanai, Chủ tịch của Fast Retailing, nói thêm: "Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới".
Khi xem xét xu hướng kinh tế vi mô và vĩ mô ở Việt Nam, không khó để hiểu tại sao các nhà bán lẻ nước ngoài có thể cảm thấy lạc quan. Một báo cáo thị trường từ Savills cho thấy, sức mua của người tiêu dùng đã tăng 14% so với năm 2014, trong khi GDP thực ước tính sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trên 6%. Với quy mô dân số hơn 97 triệu người và cơ cấu dân số trẻ - theo Ngân hàng Thế giới, 70% dân số dưới 35 tuổi vào năm ngoái - tăng trưởng trong chi tiêu thời trang ở Việt Nam là đầy triển vọng.
"Thật là tiện lợi khi có một cửa hàng Uniqlo ở đây", Hòa, một khách hàng 20 tuổi đang chọn áo phông tại Uniqlo Đồng Khởi nói. "Tôi đang học ở Úc nên đã quen mua sắm ở Uniqlo rồi. Giá ở Việt Nam có vẻ đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ rất nhiều người sẽ vui khi có sự hiện diện của cửa hàng này".
Bà Trần Nguyễn Thiên Hương - đại diện của tạp chí thời trang Harper's Bazaar Việt Nam và Chủ tịch của Sunflower Media, lưu ý rằng mua hàng xa xỉ ở Hà Nội đã phần nào phổ biến hơn, trong khi thị trường TP.HCM vẫn còn nhạy cảm hơn với giá cao.
"Mặc dù các thương hiệu xa xỉ rất coi trọng việc chi cho quảng cáo ở Việt Nam và có cửa hàng ở đây, nhưng có một sự thật là ngay bây giờ rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua túi Dior ở Paris hoặc New York. Giá ở đây vẫn thường cao hơn từ 10 đến 20%", bà Hương nói.
Bà Hương coi thập kỷ tiếp theo là giai đoạn then chốt cho sự tăng trưởng của thị trường mua sắm xa xỉ trên cả nước, đặc biệt là các hiệp định thương mại mới - dự kiến sẽ thay đổi giá và giảm thuế đối với hàng hóa vào Việt Nam từ EU.
"Sau đó, sẽ sớm có những chính sách mới giúp giá của hàng hóa xa xỉ nhập khẩu ở Việt Nam cạnh tranh hơn nhiều trên phạm vi toàn cầu", bà nói. "Khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ thị trường xa xỉ sẽ thực sự cất cánh. Phần lớn việc mua sắm trước đây từng được thực hiện ở châu Âu, châu Mỹ hoặc Hong Kong có thể chuyển về đây".
"Sự phát triển của ngành du lịch trong nước cũng là chìa khóa". Bà Võ Thị Khánh Trang của Savills dự báo sự chuyển dịch tiềm năng trong đối tượng khách hàng - từ tầng lớp thượng lưu sang thị trường đại chúng - có thể dựa vào du lịch, đặc biệt là khi nhận thức về thương hiệu tiếp tục tăng và tầng lớp trung lưu mở rộng.