Trang Yicai Global mới đây đưa tin "Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu máy hút bụi gia đình lớn nhất sang Mỹ".
Theo thống kê từ Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử Trung Quốc, Mỹ đã nhập khẩu gần 1,4 triệu máy hút bụi từ Việt Nam trong tháng 2, tăng 54% so với một năm trước đó, con số này cao hơn so với gần 1,3 triệu từ Trung Quốc.
Sự gia tăng về doanh số nhập khẩu các sản phẩm máy hút bụi đến từ việc các thương hiệu Trung Quốc những năm gần đây chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động do Mỹ áp thuế kể từ năm 2018.
Số lượng máy hút bụi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã chiếm 24,8% tổng lượng nhập khẩu của nước này vào năm ngoái, gấp đôi con số của năm 2020.
Các nhà sản xuất máy hút bụi lớn của Trung Quốc như Kingclean Electric và Ningbo Fujia Industrial bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2018. Kingclean và Fujia là nhà sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu nổi tiếng châu Âu và Mỹ, bao gồm Electrolux, Dyson và Stanley Black & Decker.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của công ty mẹ, đơn vị Kingclean tại Việt Nam đã nâng mức đầu tư vào nước này lên 40 triệu USD từ 7 triệu USD. Công ty dự kiến năng lực sản xuất hàng năm của Fujia tại Việt Nam có thể sẽ đạt 1,2 triệu đến 1,5 triệu sản phẩm trong năm nay.
"Chuỗi công nghiệp máy hút bụi đã trưởng thành", một giám đốc tại một công ty thiết bị làm sạch Trung Quốc nói với Yicai Global. "Chỉ cần có hệ thống quản lý hoàn thiện thì sản xuất tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng".
Việt Nam không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có sự chuyển dịch cơ sở sản xuất máy hút bụi sau xung đột thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018. Nhà phát triển robot hút bụi iRobot đã chuyển nhà máy sang Malaysia và Dyson đến Singapore và Malaysia.
Mặc dù chuyển dịch nhiều cơ sở sản xuất ra nước ngoài, hệ sinh thái công nghiệp của Trung Quốc vẫn duy trì sự phát triển tốt và khả năng quảng bá sản phẩm rất mạnh.
Tác giả bài viết nhấn mạnh, các công ty lớn của Trung Quốc vẫn sản xuất trong nước, chỉ một số phần là chuyển ra nước ngoài. Điều này xuất phát từ việc quốc gia này đã tích lũy được nguồn nhân lực, công nghệ và lợi thế sinh thái.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn nắm vai trò thống trị trên thị trường máy hút bụi toàn cầu. Người ta ví rằng, các công ty robot hút bụi từ Trung Quốc đang làm nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa cho cả thế giới.
Với các tính năng tiên tiến và giá cả phải chăng, robot hút bụi từ Trung Quốc được nhiều người dùng yêu thích. Điều này được thể hiện qua việc công ty đứng sau thương hiệu Ecovacs đã vượt qua Roomba về doanh số bán hàng vào năm ngoái.
Doanh nghiệp Trung Quốc có tên chính thức là Ecovacs Robotics đang ngày càng thu hút người tiêu dùng nhiều hơn trên toàn cầu, với giá trị vốn hóa thị trường đạt mức gần 44 tỷ nhân dân tệ (6,38 tỷ USD) - gần gấp năm lần so với iRobot, nhà sản xuất của Roomba có trụ sở tại Mỹ.
Ecovacs cung cấp nhiều dòng sản phẩm từ mẫu cơ bản có giá 1.000 nhân dân tệ (3,3 triệu đồng), đến loại kết hợp giữa hút bụi và lau nhà có giá bán tới 6.999 nhân dân tệ (hơn 23 triệu đồng).
Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc cũng đang trên đà trỗi dậy. Roborock, được hỗ trợ bởi gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi, hiện bán robot hút bụi tại hơn 100 thị trường, đứng thứ ba về thị phần toàn cầu sau Ecovacs.
Dreame Technology, xếp thứ năm tại Trung Quốc, đã gia nhập thị trường Nhật Bản vào năm ngoái sau khi thâm nhập vào châu Âu và Mỹ. Công ty cung cấp sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và Rakuten tại Nhật Bản, đồng thời có kế hoạch sớm bán tại các cửa hàng thực tế.
Tầng lớp trung lưu mở rộng đã giúp robot hút bụi trở thành một thiết bị phổ biến của mọi nhà. Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan dự báo thị trường robot hút bụi của Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2026, đạt 28,1 tỷ nhân dân tệ.