Thương chiến Mỹ Trung
Tháng trước, một số nhà kinh tế của IMF công bố Biểu đồ Bất ổn thương mại toàn cầu - giúp các bên có thể hiểu hơn về sự bất ổn thương mại ở thời điểm hiện tại.
Họ đưa ra quan điểm rằng sự bất ổn đã tăng gấp 10 lần so với các cuộc khủng hoảng trước đó trong 25 năm qua, bao gồm Khủng hoảng tài chính toàn cầu, Khủng hoảng kinh tế châu Á và thất bại liên tiếp của đàm phán tự do hóa thương mại Doha.
Họ nói rằng bất ổn gia tăng báo trước sản lượng kinh tế sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, những bất ổn trong quý đầu tiên của năm 2019 có thể đủ mạnh để giảm mức tăng trưởng toàn cầu tới 0,75 điểm phần trăm trong năm nay.
Capital Economics cho biết tiến trình toàn cầu hóa đã đạt đỉnh điểm và đang dần đi tới giai đoạn suy giảm, bởi sự ra đời của các công nghệ mới đã làm giảm nhu cầu duy trì chuỗi cung ứng lớn và phức tạp của doanh nghiệp.
Các nhà kinh tế học của Capital Economics cảnh báo rằng, nguy cơ của một thời kỳ phi toàn cầu hóa có thể xảy ra, nhưng không rõ nó sẽ diễn ra như thế nào: "Chúng ta có thể thấy một hình thức khu vực hóa nhẹ ở một số nơi, trong đó các quy trình sản xuất được tập trung ở các nước láng giềng thay vì toàn cầu hóa. Thế giới có thể chia thành các khối cạnh tranh với nhau".
Nhưng tổ chức này cũng cho rằng khu vực hóa sẽ không phải là một vấn đề quá lớn, vì giao dịch giữa các nước láng giềng và khu vực có thể đủ lớn để duy trì các công ty toàn cầu.
Khu vực ASEAN và vai trò của Việt Nam
Trong bối cảnh xu hướng kinh tế toàn cầu suy giảm, các lãnh đạo khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng các mục tiêu đầy tham vọng lên gấp đôi để hội nhập khu vực này vào kinh tế thế giới lớn hơn.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hội đã trả lời một nhóm biên tập viên tại Bangkok trong tuần này rằng ASEAN vẫn đang nhắm mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối năm 2025. Điều này sẽ đòi hỏi thương mại giữa các quốc gia thành viên tăng khoảng 9% một năm, nhiều hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình khu vực trong những năm gần đây.
Mục tiêu này có thể sẽ phụ thuộc tương đối lớn vào việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên, với ASEAN là trung tâm.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á khá bền chặt, không chỉ vì vị thế là các đối tác thương mại hàng đầu của nhau, mà còn do sự gần gũi về địa lý và quan hệ lịch sử, văn hóa. Nhiều khả năng ASEAN tiếp tục nâng cao quan hệ hợp tác và sản xuất với Trung Quốc.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc, trong khi ASEAN được xếp hạng là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU (sau Mỹ và Trung Quốc). Tuyến hàng hải chạy qua Đông Nam Á có tầm quan trọng cơ bản đối với EU để có thể tiếp cận các thị trường Đông Á.
Các bộ trưởng thương mại đã họp tại Bangkok để cố gắng đưa ra một thỏa thuận cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á do Thái Lan tổ chức vào đầu tháng 11. Việt Nam, chủ tịch tiếp theo của ASEAN sẽ đóng vai trò quyết định trong năm tới.
Các chuyên gia kinh tế Capital Economics cho rằng, Việt Nam đã trở thành "người cầm cờ" trong những nỗ lực tự do hóa thương mại những năm gần đây, với một loạt các thỏa thuận song phương, trong đó có EVFTA và thỏa thuận đa phương như CPTPP.