Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các hiệp hội, DN và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX kinh doanh cho DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Phát biểu Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương, Phó TGĐ Thường trực VinCommerce (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) nhận định, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất hiện hữu. Do vậy, đại diện Masan đề xuất một số nội dung mà bà đánh giá là khẩn thiết, để chủ động ứng phó với nguy cơ này.
Cải tiến “3 tại chỗ”, đẩy nhanh tiêm vắc xin
Bà Nguyễn Thị Phương cho rằng, mô hình “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, thì “3 tại chỗ” có nguy cơ là ổ lây nhiễm lớn nếu có ca nhiễm.
Qua thực tế triển khai, doanh nghiệp nhận thấy biện pháp “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, khi có phát sinh nguồn lây bệnh, thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn. Và nhà máy sẽ không còn khả năng tiếp tục vận hành sản xuất.
Do vậy đại diện Masan đề xuất Thủ tướng và lãnh đạo địa phương cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.
Theo bà Phương, hiện nay nếu một ổ lây nhiễm xuất hiện thì nhà máy đó sẽ rất khó khăn để nhanh chóng quay trở lại hoạt động. Do phần lớn lực lượng lao động là F0, F1 đi điều trị hoặc cách ly sẽ gây thiếu hụt lực lượng nhân công lập tức.
Vì thế, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có giải pháp để cung cấp nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời gian ngắn bằng nguồn nhân lực dự bị, như lực lượng thanh niên xung phong, hay từ nguồn lao động từ các tỉnh thành khác tới vùng có có dịch Covid. Bà Phương cho biết, theo thống kê hiện nay thì đa số F0, F1 có thể phục hồi sức khoẻ và quay trở lại làm việc từ sau 3 - 4 tuần.
Đại diện Masan cho biết, hiện mới có khoảng 30% trong tổng số 40.000 lao động của tập đoàn được tiêm vắc xin phòng dịch. Do vậy, cần Chính phủ và các bộ, ngành cấp thiết quan tâm đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người lao động và thân nhân của họ trong các khu vực nhà máy, khu công nghiệp, khu vực làm việc nguy cơ cao.
Việc tiêm vắc xin một mặt là biện pháp hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh, một mặt cũng là biện pháp tinh thần rất hiệu quả cho nhân viên bán hàng siêu thị, công nhân và gia đình trước nỗi lo và gánh nặng dịch bệnh. Và đồng thời giảm nguy cơ đứt gãy khả năng cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tập đoàn sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yêu như Masan.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã từng bước cho phép các bệnh nhân Covid (F0) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, tập đoàn Masan đề xuất Bộ Y tế và chính quyền địa phương hỗ trợ bác sỹ hoặc chuyên gia y tế phụ trách từng cụm nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tư vấn, kiểm soát phương án phòng dịch cùng nhà máy. Qua đó có thể xử lý chính xác sự cố khi phát sinh F0, có thể điều trị ban đầu và tại chỗ các trường hợp lây nhiễm nhưng không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, được cách ly hoàn toàn ngay trong nhà máy hoặc tại các “vùng đệm” như đề xuất.
Không đồng loạt đóng cửa các nhà máy, hỗ trợ cho lưu thông hàng hóa
Theo bà Phương, Masan là một trong số rất ít tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối và bản lẻ các loại hàng hoá thiết yếu.
Quy mô của tập đoàn hiện đã lên tới hơn 40,000 cán bộ công nhân viên, trên 30 nhà máy thực phẩm, trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tại hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thực phẩm thiết yếu của tập đoàn hiện có hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng bán lẻ VinMart/VinMart+, chiếm hơn 30% thị phần bán lẻ hiện đại của cả nước. Ngoài ra, tập đoàn còn có trên 200.000 điểm bán lẻ truyền thống hàng hóa thiết yếu.
Để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đại diện Masan đề nghị không đồng loạt đóng cửa các nhà máy, kho hàng, đồng thời rút ngắn nhất có thể thời gian đóng cửa nhà máy, tổng kho, điểm bán hàng hóa thiết yếu. Và mong muốn Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hỗ trợ tập đoàn trong việc khử trùng, làm sạch nhà máy nếu phát sinh nguồn lây lan.
Đại diện Masan nhấn mạnh, chuỗi cung ứng của tập đoàn luôn sẵn sàng thực hiện sự điều phối trực tiếp của Chính phủ trong việc cung ứng các loại hàng hoá, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong các vùng dịch bệnh bị phong toả. Hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối và bán lẻ của tập đoàn vẫn còn trụ vững trước tác động của dịch bệnh Covid, dù rất căng thẳng để đảm bảo được điều này.
Tuy nhiên, với mong muốn để góp sức chung tay cùng Chính phủ đảm bảo mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch, Tập đoàn Masan mong Chính phủ, các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ linh hoạt hơn để đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, phân phối, bán lẻ các sản phẩm thực phẩm và hàng hoá thiết yếu không bị đứt gãy, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.
Vĩnh Phú