Trước đó, tháng 11/2018 Vietcombank, VIB và OCB cũng đã được NHNN trao quyết định cho phép áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (chuẩn mực an toàn vốn Basel II – phương pháp tiêu chuẩn). Basel là gì và vì sao việc áp dụng Thông tư 41 lại quan trọng đến vậy đối với các TCTD?
Ảnh minh họa |
Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision - BCBS) được thành lập năm 1974 bởi một nhóm các NHTW và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80. Năm 1988, BCBS đã quyết định giới thiệu hệ thống đo lường vốn - Hiệp ước vốn Basel (Basel I).
Hệ thống này cung cấp khung đo lường rủi ro tín dụng với tiêu chuẩn vốn tối thiểu 8% và được nhiều ngân hàng trên thế giới áp dụng. Basel I được sửa đổi vào năm 1996, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính - ngân hàng, tháng 6/1999, Uỷ ban Basel đã đề xuất khung đo lường mới, qua nhiều bước bàn thảo, tháng 6/2004, bản Hiệp ước quốc tế về vốn mới (Basel II) chính thức được ban hành.
Basel II có ba trụ cột chính (Three Pillars). Trong đó, Pillar I: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); Pillar II: Rà soát giám sát (quy trình đánh giá an toàn vốn tổng thể và chiến lược để duy trì mức vốn với khuyến nghị các ngân hàng cần duy trì vốn ở mức cao hơn mức tối thiểu và có hệ thống giám sát nhằm ngăn chặn vốn giảm xuống dưới mức tối thiểu). Và Pillar III: Thực hiện các nguyên tắc thị trường.
Áp dụng Basel II giúp tăng cường năng lực tài chính, tăng cường quản trị rủi ro của ngân hàng. Việc tuân thủ được các chuẩn mực theo Basel không dễ, đòi hỏi ngân hàng không chỉ về nhân lực, vật lực mà cả trình độ quản trị điều hành.
Chính vì thế từ năm 2013, để thực hiện mục tiêu triển khai áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, NHNN đã vạch ra lộ trình cụ thể: Lựa chọn 10 NHTM thí điểm thực hiện Basel II; Thực hiện đánh giá mức độ chênh lệch (Gap Analysis) về thực trạng vốn so với yêu cầu về vốn của Basel II; Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chuẩn mực vốn Basel II trong ngành Ngân hàng; Ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NHNNg theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II; Ban hành Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định hệ thống kiểm soát nội bộ đối với NHTM, chi nhánh NHNNg, trong đó có cấu phần đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP)...
Theo quy định tại Thông tư 41, kể từ ngày 1/1/2020, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%. Tuy CAR ở mức 8%, thấp hơn so với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nhưng theo cách tính mới, chặt chẽ hơn.
Đơn cử, về tính phần rủi ro tín dụng, nếu theo Thông tư 36 hệ số rủi ro là từ 0% đến 150% (theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36 thì hệ số rủi ro cao nhất là 200% đối với cho vay bất động sản áp dụng từ 1/1/2017), trong khi hệ số rủi ro theo Thông tư 41 là từ 0% - 250% và phân chia rất cụ thể, chặt chẽ. Bên cạnh đó còn là vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động; Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường…
Do đó, nếu áp dụng Thông tư 41 thì CAR của các ngân hàng có thể giảm từ 1% đến 3%. Công thức tính chỉ số CAR tại Thông tư 41 bám sát theo công thức trong Basel II. Bên cạnh đó Điều 4, Thông tư 41 quy định: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có dữ liệu đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tính tỷ lệ an toàn vốn”.
Như vậy có thể thấy Basel II không phải là tấm huy chương, mà đó là yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng. Việc một số NHTM được công nhận áp dụng Thông tư 41, tuy chưa đạt đủ các “tín chỉ” theo 3 trụ cột của Basel II nhưng cũng tuân thủ được những yêu cầu cốt lõi. Việc này giúp các NHTM tăng năng lực, vững vàng hơn trước sóng gió thị trường, từ đó củng cố nền tảng vững chắc cho hệ thống TCTD và cho cả nền kinh tế trước biến động khó lường của thế giới.