ILO chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 khiến lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, đồng thời hằn sâu bất bình đẳng giới hiện hữu, tạo thêm những bất bình đẳng mới tại Việt Nam. Điều này có nguy cơ hủy hoại một số tiến bộ khiêm tốn về bình đẳng giới đã đạt được trong những thập kỷ gần đây và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới liên quan đến việc làm.
Theo ILO, đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối lượng lao động nữ là do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Gần 510 triệu người, khoảng 40% số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm việc trong các ngành nêu trên.
Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế, công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội.
Sự phân công công việc chăm sóc không được trả lương không đồng đều vốn đã tồn tại từ trước đại dịch nay càng trở nên tồi tệ hơn, trầm trọng hơn khi trường học và các dịch vụ chăm sóc bị đóng cửa bởi dịch Covid-19. Thu nhập của nữ giới thấp hơn nam giới (tiền lương tháng thấp hơn 13,7% trong năm 2019) bất luận giờ làm việc là tương đương với nam giới.
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 nhìn từ góc độ giới, ILO cho biết, đại dịch khiến tổng số giờ làm việc sụt giảm đáng kể trong quý II/2020 và mới chỉ được phục hồi trong nửa cuối năm. Phụ nữ là đối tượng chịu tổn thất về thời gian làm việc nặng nề nhất. Tổng số giờ làm việc hàng tuần của phụ nữ trong quý II/2020 chỉ bằng 88,8% so với quý IV/2019, trong khi con số này ở nam giới là 91,2%.
Tuy nhiên số giờ làm việc của phụ nữ lại được phục hồi nhanh hơn. Trong 3 tháng cuối năm 2020, phụ nữ đã làm việc nhiều hơn 0,8% số giờ so với cùng kỳ 2019. Con số này ở nam giới là 0,6%. Theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam: “Những giờ làm tăng thêm này khiến gánh nặng kép họ vốn phải gánh vác càng nặng nề hơn, do họ vẫn phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà so với nam giới”.
Đồng thời số việc làm bị xóa sổ ở nữ giới từ giữa năm 2019 và 2020 chiếm 4,2%, còn nam giới chỉ chiếm 3%. Tuy nhiên số người trong độ tuổi làm việc sẽ tìm được việc làm trong năm 2021 của nam giới lại chiếm 68,6% trong khi nữ giới chỉ đạt 43,2%.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, với thực trạng này ILO kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt trên diện rộng để bảo vệ người lao động, đặc biệt người lao động trong nhóm đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất từ đại dịch bao gồm: phụ nữ, người có bệnh lý nền,…nhằm kích thích lại đà tăng trưởng của kinh tế.