Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, những người phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định pháp luật thì mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Do đó, những đối tượng có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng sẽ không thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội.
Nhiều chuyên gia nhận định hệ lụy có thể dẫn đến là việc người có tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng vẫn có thể được mua nhà ở xã hội khi họ kê khai không trung thực đối với các khoản thu của bản thân. Đây là tình trạng diễn ra phổ biến trong thời gian qua. Còn với những trường hợp thực sự có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, thì hầu hết họ lại gặp khó khi không đủ tài chính tích lũy để sở hữu căn hộ cho bản thân.
Anh Đức Công (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tổng thu nhập hàng tháng của anh là 10 triệu đồng, đây là mức thu nhập đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, anh Công không đủ kinh tế để mua nhà ở xã hội trong tình cảnh hiện nay khi trừ chi phí thuê nhà và sinh hoạt, anh chỉ tiết kiệm được từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
"Với thu nhập hiện tại thì tôi không thể đủ kinh tế để đi mua nhà ở xã hội, kể cả nhiều dự án theo tôi tham khảo thuộc dạng rẻ nhất ở Hà Nội chỉ từ 13 - 14 triệu đồng/m2, cũng rất khó để mua. Nếu phù hợp hơn tôi nghĩ nên có thêm nhiều các dự án nhà ở xã hội cho thuê với mức giá thuê rẻ và cũng không quá xã trung tâm thì sẽ hợp lý với hoàn cảnh của những người thu nhập thấp", anh Công chia sẻ.
Còn theo chị Hồng Hà (quận Ba Đình, Hà Nội), những người với mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng thì mới tính đến trường hợp mua nhà. Tuy nhiên, đây là mức thu nhập vượt quá điều kiện để mua nhà ở xã hội và với giá chung cư đang rất cao như hiện nay thì lại không "với tới".
"Thu nhập của tôi thì chắc chắn không thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên kể cả đủ thì để mua nhà ở xã hội thì cũng phải tính toán kỹ lưỡng vì với giá nhà ở xã hội như dự án NHS Trung Văn vừa qua có giá từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/căn thì tôi cũng phải tính trường hợp vay lãi ngân hàng để mua nhà", chị Hà cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc G-Home thừa cho rằng quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội nên thay đổi phù hợp hơn, nhà ở xã hội không phải là bán cho người giàu nhưng có thể hướng đến cả đối tượng thu nhập thuộc diện đóng thuế, có tích lũy nhưng không tiếp cận được nhà ở thương mại hiện có giá bán cao.
"Bởi người thu nhập quá thấp, hộ nghèo, cận nghèo, dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là những người này không đủ tiền để trang trải cuộc sống, không tích luỹ thì chắc chắn không thể mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội", ông Nam nhận định.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Ban quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, với thu nhập trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà. Những đối tượng này đang mong chờ có thể mua căn hộ trả góp tại các dự án nhà ở xã hội giá rẻ hoặc trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, để được thuê những căn hộ phù hợp với khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng dù người mua nhà ở xã hội đáp ứng đúng các điều kiện thì cũng không thể mua được kể cả cho vay với lãi suất 0% vì thu nhập của họ chỉ đủ sống, thậm chí là không đủ sống. Việc trả gốc đã khó chứ chưa nói là trả lãi.
“Vì thu nhập thấp nên họ chỉ có thể đi thuê và Nhà nước nên hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ chứ không phải bán nhà giá rẻ cho họ. Trong bối cảnh hiện nay, việc duyệt bán nhà sai đối tượng tất yếu xảy ra vì không thể bán nhà cho đúng đối tượng được, những đối tượng này không tồn tại trong thực tế”, ông Ánh khẳng định.
Do đó, chương trình nhà ở xã hội cần phải thay đổi theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai và nguồn vốn. Đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà với giá thuê phù hợp. Khoản hỗ trợ này là không hoàn lại chứ không phải cho vay dù là vay ưu đãi. Chỉ có như vậy mới khắc phục được hạn chế, bất cập, thậm chí là sai phạm và bất bình đẳng của chương trình nhà ở xã hội hiện nay.
"Muốn có nhà ở xã hội cho thuê trước hết phải có nguồn cung, tiếp theo là giá cho thuê phải hợp lý. Hiện nay thị trường nhà ở xã hội cho thuê không có nhiều, muốn phát triển được thì Nhà nước phải đứng ra xây. Không thể đặt vấn đề theo hướng người thu nhập thấp mua được nhà, việc đảm bảo chỗ ở và việc sở hữu một tài sản giá trị lớn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đang tư duy hoàn toàn sai lầm ở chỗ đi bán nhà cho những người không có khả năng mua nhà. Kết quả là nhà ở xã hội đôi khi lại được bán cho người giàu", ông Ánh nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết nhiều quốc gia đều có chính sách nhà ở xã hội hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo nơi ở cho người dân. Do đó, các nước làm nhà ở xã hội hầu như để cho thuê. Cũng vì vậy, chính sách có sự tách bạch giữa chính sách phát triển với chính sách quản lý, vận hành. Bởi vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định về nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt nguồn vốn ngân sách, cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.