Thông tin đa số ý kiến tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng tình với dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lên 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng khiến nhiều người cho rằng chưa thỏa đáng.
Không đủ tiền nuôi con
Anh Đinh Văn Thanh (ngụ quận 9, TP HCM), nhân viên công ty kinh doanh đồ nội thất, cho biết vợ anh phải nghỉ ở nhà để trông con nhỏ nghỉ học do dịch Covid-19. Cả nhà chỉ trông vào mức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng của anh.
"Tôi mới đổi việc 3 tháng qua nên chưa kê khai giảm trừ gia cảnh trong năm nay, mỗi tháng đều bị tạm khấu trừ thuế TNCN. Đến cuối năm, tôi có thể được hoàn lại khoản giảm trừ gia cảnh nhưng vậy là một phần thu nhập đã bị "chiếm dụng" trong cả năm. Trong khi đó, cả nhà chỉ trông vào lương của mình tôi" - anh Thanh băn khoăn.
Tương tự, chị Lê Thu Hoài, nhân viên văn phòng tại TP HCM, có thu nhập 11 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chị trả tiền thuê nhà 3,5 triệu đồng, cộng thêm tiền ăn uống, đi lại, điện thoại..., gần như không tiết kiệm được đồng nào.
"Nếu mức đánh thuế TNCN chỉ được điều chỉnh từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng thì những người làm công ăn lương và phải thuê nhà như tôi vẫn rất khó khăn" - chị Hoài bày tỏ.
Người dân kê khai thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nên tính thuế từ 13-14 triệu đồng
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng nhà nước nên dự trù phần ngân sách và cân đối thu chi để có thể quyết mức giảm trừ gia cảnh cho tương lai, thay vì quyết mức tăng theo số liệu quá khứ như dự thảo đưa ra. Bởi lẽ, hiện nay, CPI tăng hơn 20% so với thời điểm bắt đầu áp dụng Luật Thuế TNCN 2012 nhưng CPI sẽ còn tăng tiếp ở các năm sau, trong khi mức giảm trừ gia cảnh này sẽ được duy trì trong thời gian khá dài. Ông Được đề xuất tăng mức giảm trừ với người nộp thuế lên 13-14 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc cũng tăng tương ứng để bảo đảm nghị quyết không rơi vào tình trạng vừa ra đời đã lạc hậu.
Ông Được cũng đề nghị thiết kế, xây dựng luật theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động tăng 5%-10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế.
"Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nâng mức giảm trừ gia cảnh nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới thì nên được hồi tố từ thời điểm 1-1-2020 để hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, cũng để dễ dàng trong khâu tính thuế" - ông Được góp ý.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, đánh giá chính sách thuế TNCN đang nắm "người có tóc" mà không nắm được "kẻ trọc đầu". Tức là, nhóm người lao động (NLĐ) có thu nhập trung bình, chủ yếu làm công ăn lương thì bị kiểm soát và trừ thuế rất chặt chẽ; còn nhiều đối tượng khác như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… thì hầu như thoát thu thuế. Số thuế thu được từ nhóm có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng không đáng kể so với số thuế bị thất thoát.
"Quan trọng là tính đúng, tính đủ số thuế TNCN phải nộp hay không, có phù hợp với thực trạng người dân ở Việt Nam hay không? Còn nếu đơn thuần bàn về con số thì khó có điểm dừng, bởi dù tăng mức giảm trừ hơn nữa cũng không thỏa mãn được tất cả" - ông Tiến nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh:
Cân nhắc trong tình hình dịch
Ngoài dữ liệu về lạm phát được Bộ Tài chính đưa ra để tính giảm trừ gia cảnh, cần quan tâm đến yếu tố mới là dịch Covid-19 khiến NLĐ mất việc, giảm thu nhập. Giả sử một gia đình có 2 vợ chồng đi làm, trong đó một người bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì gia đình sẽ có thêm một người phụ thuộc. Áp lực đặt lên vai NLĐ còn lại sẽ rất nặng nề. Nếu không tăng mức giảm trừ gia cảnh thì đời sống thật sự khó khăn. Cơ quan quản lý nhà nước nên cầu thị, tham khảo số liệu về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN), số lượng người thất nghiệp, người phụ thuộc... để cân nhắc con số hợp lý, không nên khư khư quan điểm mức đánh thuế từ 11 triệu đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:
Cần sự sẻ chia từ nhiều phía
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng tức là nhà nước đã phải giảm nguồn thu tương ứng từ nhóm thu nhập 9-11 triệu đồng/tháng. Do dịch Covid-19, nhà nước cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho người dân và DN, trong đó chú trọng đến dân sinh. Bởi vậy, cần cân đối nguồn để bảo đảm ổn định vĩ mô.
Mong muốn của người dân bao giờ cũng là được giảm thuế nhiều nhất nhưng bối cảnh khó khăn khiến nền kinh tế kiệt quệ, đòi hỏi sự chia sẻ từ nhiều phía, kể cả người dân. Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là khá phù hợp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính:
Nên xem lại
Bộ Tài chính tính toán con số tăng tỉ lệ lạm phát 23,2% cuối kỳ, theo tôi là không hợp lý. CPI là chỉ số giá cả của các mặt hàng cơ bản của năm sau so với năm trước nên với cách tính tăng chỉ số lạm phát theo giai đoạn, tức lấy năm 2013 là gốc, sẽ cho ra mức tăng cuối kỳ là 143%, tương ứng tỉ lệ tăng 43%. Khi đó, mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên từ 12,8-13,5 triệu đồng/tháng với người đóng thuế; mức giảm trừ phụ thuộc là 5,1-5,4 triệu đồng/người/tháng.
Tôi kiến nghị cần xem xét lại cách tính để tránh gây thiệt hại cho người đóng thuế.
Thùy Dương ghi