Lợi nhuận ròng quý 2 của các doanh nghiệp ngành dược cũng như 6 tháng đầu năm 2021 có sự phân hóa rõ rệt. Không hẳn doanh nghiệp hoạt động trong ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi. Trong khi phần lớn các đơn vị "có tiếng" giữ được vị thế và duy trì đà tăng trưởng thì nhóm công ty có quy mô nhỏ hơn lại ghi nhận lợi nhuận đi ngang thậm chí giảm sút.
Đại dịch ập đến khiến thách thức nổi lên, hầu hết doanh nghiệp dược phải đối mặt với việc chi phí giá vốn tăng cao trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang cùng với sự khan hiếm về nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, kênh bán thuốc qua bệnh viện (ETC) từng là động lực chính cho sự phát triển của toàn ngành cũng trở nên "hụt hơi" trong thời buổi dịch bệnh.
Những cái tên dẫn đầu về lãi ròng thu về trong quý 2 vừa qua có thể kể đến: Dược Hậu Giang (DHT, lãi 201 tỷ đồng), Pymepharco (PME, lãi 78 tỷ đồng), Traphaco (TRA, lãi 63 tỷ đồng), Imexpharm (IMP, lãi 49 tỷ đồng)…
"Ông lớn" Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần quý 2 tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước lên 948 tỷ đồng. Ảnh hưởng của chi phí giá vốn tăng cao nên doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng xấp xỉ 201 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lũy kể nửa đầu năm 2021, Dược Hậu Giang ghi nhận lãi ròng 405 tỷ đồng, tăng 12% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Việc đưa vào sản phẩm thương hiệu mới đã giúp Pymepharco (PME) ghi nhận mức doanh thu thuần khâu bán hàng tăng gần 46% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ghi nhận LNST quý 2 đạt 78 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng báo lãi ròng 168 tỷ đồng, tăng 20%.
Tại Traphaco (TRA), chính sách bán hàng trong quý 2 được khách hàng ủng hộ nên doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty tập trung các chương trình thúc đẩy bán các sản phẩm truyền thống của công ty nên có biên lợi nhuận tốt dẫn đến tỷ lệ chi phí giá vốn bán hàng giảm so với cùng kỳ. Kết quả, riêng quý 2 ghi nhận mức lãi ròng 63 tỷ đồng, bật tăng đến 48% so với quý 2/2020. Sau 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 124 tỷ đồng, tăng 37% so với nửa đầu năm 2020 đồng thời hoàn thành 52% kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Pharbaco (PBC) ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc khi lãi ròng chỉ trong nửa đầu năm đã gấp gần 3 lần mục tiêu đề ra cho cả năm 2021. Theo đó Pharbaco báo lãi ròng quý 2 hơn 12 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Pharbaco đạt 26,6 tỷ đồng, tăng 291% so với cùng kỳ - đánh dấu lần đầu tiên công ty vượt kế hoạch năm kể từ khi bắt đầu hoạt động.
Tuy vậy, không hẳn doanh nghiệp nào cũng ghi nhận kết quả tích cực khi vậy. Trái chiều với sự khởi sắc của các doanh nghiệp kể trên, Imexpharm – doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa trên kênh ETC – ghi nhận sự đi ngang trong kinh doanh. Doanh thu quý 2 tăng nhẹ 8% lên mức 321 tỷ đồng, song chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng mạnh khiến lãi ròng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 49 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2021, Imexpharm báo lãi ròng sau thuế 91 tỉ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí tại Dược phẩm OPC (OPC), kết quả kinh doanh đi lùi tới 2 chữ số khi quý 2 giảm 20% lợi nhuận so với cùng kỳ do chi phí tăng cao. Doanh thu đi ngang kèm theo áp lực từ các khoản mục chi phí, trong đó chi phí QLDN tăng hơn 41% đã khiến lãi ròng của công ty bị bào mòn chỉ còn xấp xỉ 17 tỷ đồng.
Tương tự, Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) trong quý 2 chỉ ghi nhận mức lãi ròng nhỏ giọt chỉ vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, giảm tới 39% so với quý 2/2020. Cùng chịu áp lực tăng chi phí, đặc biệt là giá vốn khiến kinh doanh của Mekophar vô cùng khó khăn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MKP đạt 519 tỷ đồng, giảm 19%; theo đó lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 11 tỷ đồng, giảm đi gần một nửa so với khoản lãi thu được trong 6 tháng đầu năm 2020, đồng thời mới hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thực tế, cổ phiếu ngành dược được xem là một trong những cổ phiếu thuộc dạng "phòng thủ" và khá được ưa chuộng trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh với mức tăng trưởng ổn định. Theo Fitch Solutions, ngành dược phẩm Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi và dự kiến tăng trưởng 8,7%, thấp hơn so với giai đoạn 2010-2019.
Tuy vậy, về ngắn hạn, ngành dược Việt Nam sẽ khó có sự đột phá vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung. Những diễn biến khó lường của COVID-19 sẽ vẫn tác động lớn tới việc nhập khẩu khiến nguồn cung tiếp tục là vấn đề lớn cho các doanh nghiệp.