Giá điều chỉnh theo tuần
“Ông trời không lấy đi của ai tất cả bao giờ” - ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc đã ví von như vậy khi nói về tình hình xuất khẩu gạo hiện nay.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khó khăn do những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo phòng ngừa Covid-19, ngành chế biến, xuất khẩu lúa gạo vẫn tìm thấy đường đi của mình, trở thành điểm sáng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020.
Con số kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị là điều mà những doanh nghiệp làm trong ngành kinh doanh, xuất khẩu gạo mong ước từ mấy năm nay.
Bởi suốt 2 năm 2018-2019, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đến từ các “trung tâm gạo” mới nổi như Ấn Độ, Myanmar… đã khiến hạt gạo Việt chật vật trên con đường khẳng định vị thế”.
Thu hoạch lúa đông xuân tại Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường
"Con số kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị là điều mà những doanh nghiệp làm trong ngành kinh doanh, xuất khẩu gạo mong ước từ mấy năm nay”. Ông Phan Xuân Quế - |
Nhưng thật bất ngờ, sau Tết Nguyên đán 2020, thị trường gạo trở nên sôi động chưa từng có.
Theo ông Quế, giá gạo xuất khẩu tăng nhanh và tăng đều ở tất cả các mặt hàng, phân khúc chứ không chỉ ở sản phẩm cấp cao, thời gian điều chỉnh giá nhanh, lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu được điều chỉnh theo tuần chứ không phải theo tháng hay quý như thông lệ. Có những tuần, giá gạo tăng tới 30-50USD/tấn.
“Hiện, giá gạo của Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo của Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… Đây là điều hiếm gặp. Nếu thị trường khả quan, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD của ngành lúa gạo hoàn toàn có thể đạt được” - ông Quế chia sẻ thêm.
Nhu cầu cao đột biến
Cũng theo ông Phan Xuân Quế, thị trường xuất khẩu gạo sôi động ngay từ những tháng đầu năm 2020 là do nhu cầu tăng cao đột biến của thị trường khi Trung Quốc-thị trường chi phối 3 triệu tấn gạo của thế giới buộc phải hạn chế xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong khi đó, Thái Lan buộc phải giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn 7 triệu tấn do ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán.
“Các nước tăng cường nhập khẩu gạo, các hợp đồng lớn liên tục bay về” - ông Quế chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan về nhu cầu thị trường, theo ông Quế, điều giúp ngành chế biến, xuất khẩu gạo không bị tác động bởi Covid-19 là do không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nhờ đa dạng hóa sản phẩm, có thể cung cấp được nhiều phân khúc sản phẩm cho thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc thu hoạch lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào đúng thời điểm thị trường cần nên giao dịch lúa gạo vô cùng sôi động.
Theo ông Tùng, ngay từ tháng 9 - 10/2019, ngành chức năng đã dự báo, hạn mặn trong vụ đông xuân sẽ gay gắt, thậm chí còn khốc liệt hơn đợt hạn mặn năm 2015 - 2016. Ngành trồng trọt chủ động yêu cầu các địa phương xuống giống sớm và cắt bỏ xuống giống những diện tích trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, vụ lúa đông xuân năm nay có thay đổi lớn là sản lượng lúa cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được cung ứng sớm hơn trung bình hàng năm từ 20 ngày đến 1 tháng.
Khi xác định sẽ xuống giống sớm, cơ quan chức năng cũng chủ động thông báo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp là thời điểm tết Nguyên đán sẽ có gạo tung ra thị trường, sớm hơn mọi năm để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đơn hàng.
"Sản lượng cung ứng kịp thời, gặp đúng lúc nhu cầu tăng cao tại nhiều thị trường nên xuất khẩu lúa gạo sôi động ngay từ những tháng đầu năm, kéo giá lúa đông xuân tại thị trường trong nước tăng cao dù không ít mặt hàng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19" - ông Tùng nói.
Từ kết quả khả quan của ngành lúa gạo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi như gạo, chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến.