Với mức tăng giảm chưa tới 1%, biến động ở các chỉ số chính của Thị trường Chứng khoán châu Á diễn ra liên tiếp. Nikkei, S&P/ASX, DJ New Zealand, Shanghai, Hang Seng… đều chung tình cảnh. Tính tới 9h17 ngày 26/10 theo giờ Hà Nội, chỉ số có mức tăng trưởng lớn nhất là SZSE Component với mức tăng 0,65%. Các thị trường còn lại đều chỉ có mức tăng khoảng 0,3% trở lại.
Ở chiều ngược lại, các thị trường giảm điểm cũng không chịu sự mất mát quá nhiều. Trong số các thị trường chìm trong màu đỏ, KOSPI mất nhiều nhất với 1,63%. Hang Seng cũng chịu mức sụt giảm khoảng 0,7%, tương đương khoảng 180 điểm. Nikkei 225 và S&P/ASX 200 cũng chuyển từ đỏ sang xanh với mức sụt giảm lần lượt là 0,31 và 0,22%.
Diễn biến giằng co ở Thị trường chứng khoán châu Á trái ngược hoàn toàn với cú tăng hơn 400 điểm của Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 25/10. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 1 ngày trước, hơn 600 điểm đã bị thổi bay khỏi Dow Jones, nhấn chìm mọi thành quả của năm 2018. Nasdaq cũng có phiên sụt giảm tồi tệ chưa từng có kể từ năm 2011.
Tính tới thời điểm hiện tại, cú bật của chứng khoán Mỹ đã không kéo theo sự bùng nổ cho chứng khoán châu Á, thị trường đã mất tới 4.900 tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ đầu năm tới nay. Thậm chí, nhiều thị trường được xếp hạng "tệ nhất thế giới" trong năm 2018 đều ở châu Á.
Nguyên nhân dẫn tới cú trượt của Chứng khoán châu Á được cho là bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này làm gia tăng những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Cổ phiếu công nghệ lao dốc kết hợp với việc FED tiếp tục theo đuổi chính sách tăng lãi suất làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Trong khi đó, đồng USD mạnh tiếp tục reo rắc nỗi lo cho các nhà đầu tư. Đồng bạc xanh đã đã thiết lập đỉnh mới hôm 24/10 vừa qua. "Đồng USD đã tăng giá trong năm nay và tốc độ này đang tăng lên. Tiền có thể bị rút trở lại Mỹ, khiến cho việc rút vốn ở các thị trường mới nổi trở nên tồi tệ hơn so với 3 quý đầu của năm", các chuyên gia nhận định.
Đồng USD tăng giá kéo theo sự rút vốn trong khi FED vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch tăng lãi suất, tạo ra những áp lực khủng khiếp lên chứng khoán châu Á. Nhiều nhà đầu tư và các quỹ lớn đều chọn biện pháp an toàn hoặc phòng thủ thông qua việc mua trái phiếu. Dòng tiền bị rút khỏi thị trường khiến chứng khoán châu Á khó lòng tìm được sự bùng nổ, ít nhất là trong tương lai gần.