Theo Cục Thống kê TP.Hải Phòng, trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.Hải Phòng (GRDP) ước tăng 12,28%, cao hơn mức tăng 11,39% của 9 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, các chỉ số của 3 khu vực chính của nền kinh tế đều có hướng tăng tích cực.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,23%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 19,9%, đóng góp 10,21 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 1,52 điểm phần trăm.
Trong 9 tháng, tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng ước thu trên 67 nghìn tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi ngân sách trong 9 tháng ước trên 16 nghìn tỷ, trong đó chi cho đầu tư phát triển chi trong cân đối ngân sách địa phương ước trên 6,3 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, các hoạt động đầu tư diễn ra tại địa phương này rất sôi động, chỉ trong 9 tháng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Hải Phòng đã lên tới gần 119 nghìn tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 1,38%.
Các chỉ số khác như: Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) tăng 19,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất cấu kiện thép, lốp ô tô và phân bón,... tăng rất cao.
Về thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 112 nghìn tỷ đồng/169,61 nghìn tỷ đồng của kế hoạch năm.
Để có được sự đánh giá khách quan về bức tranh kinh tế của Hải Phòng, vừa qua Cục Thống kê TP.Hải Phòng đã tham khảo, điều tra, lấy ý kiến của 171 doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Theo đó, trên 64% doanh nghiệp đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh tại Hải Phòng đang giữ ổn định và có chiều hướng tốt lên, còn lại có trên 35% số doanh nghiệp cho rằng tình hình còn khó khăn.
Ngày 30/9, theo thông tin từ báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm 2021 của Hải Phòng. Trong 9 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thu hút được 2.849,47 triệu USD vốn đầu tư FDI vào địa bàn. Đưa Hải Phòng trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Nguồn vốn FDI được Hải Phòng thu hút đầu tư chỉ sau Long An (đạt 3,64 tỷ USD). Trong đó, thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 2,78 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã liên tục 2 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tăng thêm 2,150 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư FDI của LG Display Việt Nam Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất Hải Phòng. Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư FDI thêm 100 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng được ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng đạt trên 19% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với chỉ số này, nhiều tỉnh, thành phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng được xác định có chỉ số tăng trưởng âm. Các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, những tỉnh, thành vốn có chỉ số tăng trưởng cao những năm trước cao nhưng 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ có mức tăng trưởng từ 4,08% đến 13,55% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng/2021, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng ước 18,54 tỷ USD, tăng 25,52% so với cùng kỳ, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt trên 106 triệu tấn, tăng 8,03% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tại Phiên họp thường kỳ của UBND thành phố Hải Phòng ngày 29/9 vừa qua, 9 tháng đầu năm 2021, đại đa số các đại biểu tham dự đều nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn đạt mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác, nhưng do ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19, nên một số chỉ tiêu tuy tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ song chưa bám sát kế hoạch đề ra: thu nội địa (64,67%), sản lượng hàng qua cảng (66,87%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội (58,25%); thu hút khách du lịch giảm sâu so với cùng kỳ (-44,89%).
Để hướng tới hoàn thành các mục tiêu của năm theo kế hoạch đã đặt ra, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: "Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, chú trọng công tác xây dựng nông thôn mới, khẩn trương rà soát tổng hợp các dự án chậm giải ngân để thành phố điều chuyển vốn đến các dự án khác đồng thời tăng cường các giải pháp để tăng thu ngân sách nội địa".