Có thể nói, dịch COVID-19 kéo dài và tiếp tục diễn biến phức tạp đến hiện tại đã bắt đầu khiến nền kinh tế ‘ngấm đòn’, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thanh khoản khi dòng tiền eo hẹp. Ngược lại, cùng với sự chung tay từ cơ quan Nhà nước đến toàn thể nhân viên, người lao động, doanh nghiệp đã có những ứng phó kịp thời: không chỉ để trụ vững mà còn phải bật dậy sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi.
VCS tăng 17% LNST trong quý 1, đạt 350 tỷ đồng
Giữa bối cảnh lao đao, kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều ngành nghề là tín hiệu khả quan, một phần có thể củng cố niềm tin nhà đầu tư. Trong đó, Vicostone (VCS) mới đây đã công bố ước tính doanh thu quý 1/2020 đạt 1.366 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 14,4% và lợi nhuận sau thuế là 303 tỷ đồng, tăng 17%.
So với kế hoạch cả năm 2020 gồm 6.654 tỷ đồng doanh thu và 1.980 tỷ lợi nhuận trước thuế, quý đầu năm Vicostone đã lần lượt thực hiện được 20,5% và 17,7% chỉ tiêu.
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, năm 2020 sẽ là một năm đầy thử thách cho Vicostone. Khi mà nền kinh tế thế giới chững lại, nhu cầu xây dựng tại các thị trường lớn của Công ty (Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu) giảm, có thể kéo lùi nhu cầu tiêu thụ vật liệu.
Cũng liên quan lĩnh vực xây dựng, Coteccons (CTD) vừa công bố ký kết mới 2 hợp đồng thi công dự án cao cấp, nâng tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng trong quý 1/2020. Bao gồm dự án Complex Building (quy mô 8.320 m2 với 1.074 căn hộ hạng sang tại quận 1, Tp.HCM) và dự án The Metropole Thủ Thiêm.
Chia sẻ bởi ban lãnh đạo Công ty, đây là tín hiệu khả quan có được nhờ sự cố gắng của toàn nhân viên, bất chấp khó khăn chung giữa đại dịch COVID-19. Nhận định về năm 2020, lãnh đạo Coteccons cho hay dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lên toàn nền kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng. Giữa bối cảnh này, Coteccons chia sẻ sẵn sàng chung tay vì trách nhiệm đối với xã hội, người lao động dù thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu sụt giảm.
COVID-19 trong ngắn hạn chưa ảnh hưởng nhiều đến PVD
Hay ngành dầu khí, dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành. Trong tháng 3, dầu WTI giảm 54%, trong khi dầu Brent giảm 55% xuống lần lượt 20,48 USD/thùng và 22,74 USD/thùng. Tính chung trong quý đầu năm, cả 2 loại dầu đều giảm 66%, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên mới đây đã kêu gọi nhân viên cùng ‘vượt bão’, khi dự báo khó khăn sẽ tiếp tục sang quý 2 và cả năm 2020.
Mặc dù vậy, một số đơn vị trong ngành cũng phát đi tín hiệu kinh doanh khả quan quý 1. Trong đó, Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) ước doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước (lỗ 84,7 tỷ đồng).
Theo giới phân tích, PVD ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu và COVID-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, nếu diễn biến trên kéo dài cũng sẽ gây tác động lên hoạt động khoan ở Malaysia, tiến độ xây dựng cụm thiết bị khoan (DES). Mặt khác, giá dầu thấp cũng sẽ tác động đến các hoạt động thăm dò và khai thác toàn cầu, từ đó làm o hẹp thu nhập của PVD trong dài hạn.
Tương tự, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (PPS) cũng kỳ vọng kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2020 tăng trưởng, trong đó doanh thu tăng 49% lên gần 51 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp 383% lên 2,9 tỷ đồng.
Hoạt động chính là vận hành, dịch vụ bảo trì kỹ thuật hệ thống điện các nhà máy điện… PPS lên kế hoạch quý tiếp theo sẽ tập trung triển khai việc chuẩn bị đấu thầu dự án Cà Mau 1, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới và ký lại hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vào tháng 10 theo kế hoạch.
MWG lao dốc giữa COVID-19, mặc dù Bách Hóa Xanh vẫn tăng trưởng
Cuối cùng, ngành bán lẻ - ngành được đánh giá là hưởng lợi ngắn hạn bởi dịch bệnh do nhu cầu mua sắm tăng cao. Trong đó, Thế giới Di động (MWG) mặc dù đang chịu áp lực nặng nề từ ngành điện máy và điện thoại; song Bách Hóa Xanh phát đi tín hiệu tốt - dù đóng góp nhỏ vào cơ cấu doanh thu.
Ghi nhận, 100% cửa hàng Bách Hóa Xanh trong dịch COVID-19 đều tăng doanh thu và lưu lượng khách hàng. Riêng tháng 3, tổng số hóa đơn theo lượt tăng lên 17 triệu lượt so với con số 12 triệu của tháng trước, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 40-50%. Theo đó, doanh thu của chuỗi này tăng lên 1.800 tỷ đồng.
Dù vậy, với trụ cột nguồn thu từ Điện Máy Xanh và Thế giới Di động, khó khăn từ COVID-19 đang khiến MWG nỗ lực tiết giảm chi phí, đàm phán lại giá mặt bằng… và thúc đẩy doanh thu. Trên thị trường, cổ phiếu MWG đặc biệt bị ảnh hưởng sâu bởi COVID-19, vốn hóa đến nay đã bay hơi phân nửa.
"Ông lớn" ngành sữa Vinamilk (VNM) ước tính doanh thu, lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương, ghi nhận bởi SSI Research. Vinamilk tin rằng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện trong năm 2020 nhờ giá sữa nguyên liệu có xu hướng giảm trong tháng 3 khi nhu cầu toàn cầu yếu đi vì tác động của dịch bệnh bùng phát. Hiện, Công ty đã chốt giá sữa nguyên liệu cho sản xuất trong quý 2 và xem xét đặt thêm nguyên liệu thô ở mức giá thuận lợi hiện tại.