Chỉ 1 năm ông Koji Sato lên nắm quyền Chủ tịch và CEO (Giám đốc Điều hành) thay ông Akio Toyoda, giá trị và lợi nhuận của Toyota đều đã đạt mốc rất cao dù vẫn đang phải giải quyết vấn đề về kiểm soát chất lượng đối với thương hiệu con Daihatsu.
Ngày 1/3, Toyota đã chính thức trở thành công ty đầu tiên của Nhật đạt mức vốn hóa trên 60 nghìn tỷ yên, tương đương 395 tỷ USD. Con số này tăng gấp khoảng 2 lần so với con số cuối tháng 3/2023. Trong khoảng 3 tuần, giá trị của Toyota đã tăng khoảng 1 nghìn tỷ yên khi các nhà đầu tư thấy sức tăng lợi nhuận của tập đoàn xe này.
Một điều đáng nhắc tới là giá trị của Toyota đã phá vỡ một kỷ lục tồn tại ở Nhật suốt 37 năm từ thời bong bóng tăng trưởng - đó là kỷ lục năm 1987 do công ty viễn thông NTT xác lập.
Giá cổ phiếu của Toyota đã tăng tới 93% trong khoảng một năm, được xem là mức tăng lớn nhất trong số các nhà sản xuất ô tô khắp thế giới. Cùng khoảng thời gian này, Honda tăng 53%, tập đoàn xe Stellantis tăng 46%, gã khổng lồ BYD của Trung Quốc tụt 12%, còn ông vua xe điện Tesla thì tụt sâu tới 34%.
Tăng trưởng | |
---|---|
Toyota | 93 |
Honda | 53 |
Stellantis | 46 |
BYD | -12 |
Tesla | -34 |
Một trong những điều khiến Toyota đạt được thành tích này phải kể tới chiến lược khá... ngược đời so với nhiều nhà sản xuất khác. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã dành nhiều công sức để phát triển xe điện nhưng Toyota thì chọn một hướng đi khác, đó là xe lai điện.
Chiến lược của họ tập trung nhiều vào việc cung cấp nhiều sự lựa chọn, chủ yếu là dòng xe lai điện (hybrid, gồm cả HEV và PHEV), cùng với đó là cả xe chạy hydro và xe thuần điện (dù số lượng mẫu xe bán trên thị trường của hai dòng này rất hạn chế).
Tuy nhiên, dòng xe hybrid đã có doanh số rất tốt, tăng 31% lên mức 3,42 triệu chiếc trong năm 2023. Thị phần của Toyota trong phân khúc xe hybrid đã tăng lên 60% nhờ mẫu xe gầm cao RAV4 rất được ưa chuộng ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Trái ngược với xe hybrid, doanh số xe thuần điện lại tăng trưởng chậm lại khi khách hàng đang chú ý đến những mẫu xe có giá hấp dẫn hơn, tiết kiệm xăng - đó chính là dòng xe hybrid mà Toyota .
So với mẫu xe hybrid thương mại đầu tiên của thế giới - Toyota Prius đời 1997, Toyota đã cắt chi phí sản xuất dòng xe này xuống còn 1/6. Theo Nikkei Asia, lợi nhuận mà Toyota thu được từ xe hybrid còn cao hơn cả xe thuần xăng.
Tuy nhiên, cùng lúc với tăng trưởng của xe hybrid là nỗi vất vả của Toyota trong phát triển xe thuần điện. Doanh số xe điện của tập đoàn đã tăng lên 104.000 chiếc trong năm 2023 nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh số - tính cả doanh số từ Lexus.
Theo thống kê của MarkLines, doanh số xe điện của tập đoàn Toyota đứng thứ 24 toàn thế giới trong năm ngoái. Mức xếp hạng này thực tế đã tăng 4 bậc so với năm trước nữa, nhưng vẫn còn kém xa Quán Quân Tesla với 1,8 triệu chiếc, hay Á Quân BYD với 1,57 triệu chiếc.
Tuy nhiên, Toyota có thể sẽ sớm thăng hạng. Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ cho ra 10 mẫu xe điện mới cho tới năm 2026, đặt mục tiêu bán 1,5 triệu chiếc cùng năm, tăng lên 3,5 triệu chiếc trong năm 2030. Trong khi đó, Elon Musk từng mạnh miệng đặt ra mục tiêu bán 30 triệu chiếc ô tô điện vào năm 2030.
Toyota | Tesla | |
---|---|---|
Năm 2023 | 104000 | 1800000 |
Năm 2030 | 3500000 | 20000000 |
Theo thông tin đã công bố, dòng xe điện thế hệ mới của hãng sẽ trải qua quy trình sản xuất hoàn toàn mới. Quy trình này, so với quy trình cũ, cắt đi một nửa số bước, đồng thời chi phí đầu tư nhà máy cũng cắt giảm khoảng một nửa.
Mấu chốt của thành tựu này nằm ở phương thức đúc dập cỡ lớn Gigacasting mà Tesla đã tiên phong ứng dụng. Với cách làm này, nhà sản xuất sẽ đúc và dập một cấu thành chính của xe thành một khối kim loại liền mạch, không cần phải hàn như trước. Xe điện tương lai của Toyota được dự tính chia làm 3 phần - đầu, thân và đuôi - khi áp dụng Gigacasting.
Bên cạnh Gigacasting, Toyota cũng đang nghiên cứu làm pin thể rắn, dự kiến ứng dụng trên xe của họ từ năm 2027 hoặc năm 2028. Pin thể rắn của Toyota có thể sạc trong chưa tới 10 phút và có thể đi quãng đường xa gấp đôi, lên tới khoảng 1.200 km.
Ông Koji Sato - Chủ tịch và CEO mới của Toyota - cho biết rằng pin thể rắn do tập đoàn phát triển "sẽ có thể tương thích với cả xe thể thao lẫn xe chuyên dụng".
Tuy nhiên, hiện nay thì Toyota vẫn đang phải giải quyết một vấn đề lớn xảy ra tại thương hiệu con Daihatsu, khi có tới 64 mẫu xe bị ảnh hưởng về mặt kỹ thuật do gian lận kỹ thuật. Đối mặt với việc này, Daihatsu đã dừng toàn bộ việc bàn giao xe.
Tháng 1 vừa rồi, Toyota Industries đã báo cáo về gian lận kiểm tra với 14 mẫu động cơ sử dụng trên máy móc công nghiệp và ô tô. Nguồn cơn của sự việc này được cho là yêu cầu cắt giảm thời gian phát triển xe. Toyota sẽ xem lại kế hoạch phát triển các mẫu xe mới và giới hạn mức sản xuất xe trong nước còn khoảng 14.000 chiếc/ngày.
Thực tế, tập đoàn Toyota đã cho ra chưa tới 11.000 xe/ngày từ năm 2022, nhưng đã tăng lên 14.000 chiếc/ngày trong năm 2023. Số xe sản xuất ra đôi khi gần đạt tới con số tối đa 15.000 chiếc/ngày, vắt kiệt sức lực nhà máy của chính Toyota và cả các nhà cung ứng.
Theo ông Koji Sato: "Chúng tôi sẽ tạm đặt ra thời gian nghỉ để tạm giảm khối lượng công việc".
Phần lớn tăng trưởng của Toyota vẫn gắn liền với thời kỳ của ông Akio Toyoda - tiền nhiệm của ông Koji Sato. Trong thời gian tới, ông Koji Sato sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có cải tổ bộ máy và chuyển dịch phát triển và sản xuất sang xe điện.