Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (HNX) ngày 09/12 đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường tại TP. Đà Lạt với sự tham dự của 37 cổ đông, đại diện cho gần 76% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty.
Cập nhật kết quả kinh doanh 11 tháng 2017, ông Lê Đình Hiển – Chủ tịch HĐQT cho biết riêng 9 tháng đầu năm, LHC đạt 26 tỷ đồng lợi nhuận, ước 2017 đạt 30 tỷ đồng. Doanh thu từ các công ty con tăng trưởng tốt, tỷ lệ nắm giữ tại công ty con LBM là 59%; đã cải tạo xong cơ cấu điều hành và sản xuất tại công ty TNHH Gạch Hiệp Thành. Lợi nhuận tại Hiệp Thành 2017 ước đạt 16 tỷ đồng.
Về tình hình vốn chủ sở hữu đã sử dụng, dự kiến Công ty mẹ đầu tư dự án và đầu tư góp vốn vào các công ty con như sau: Nguồn vốn chủ sở hữu đến 30/9 là 131 tỷ đồng. Trong đó đầu tư vào LBM (59%) là 66,7 tỷ đồng. Công ty 40 (51%) 23,1 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định là 27,6 tỷ đồng, công nợ phải thu 43,7 tỷ đồng. Nguồn vốn CSH còn lại đang âm 30 tỷ đồng. Đầu tư tiếp vào công ty 40 là 11,22 tỷ đồng.
Công ty dự kiến đầu tư vào LBM (nếu LBM tăng vốn) 83 tỷ đồng. Dự kiến đầu tư vào dự án BĐS tại đường Cao Bát Quát, Đà Lạt là 48 tỷ đồng. Do vậy, tổng nguồn vốn LHC cần để tham gia đầu tư trực tiếp và gián tiếp là 131 tỷ đồng. Đây là lý do tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm cùng thảo luận để đi đến quyết định cuối cùng.
Dù vậy, kế hoạch tăng vốn của LHC đã chịu nhiều chất vấn của cổ đông tham gia đại hội. Cổ đông Lý Chủ Hưng đề nghị làm rõ thông tin về các dự án dự kiến sẽ đầu tư cũng như việc giải phóng mặt bằng cho dự án BĐS có vướng mắc gì không?
Ông Lê Đình Hiển cho biết công ty đang lập tờ trình đề xuất UBNN tỉnh Lâm Đồng. Dự án bao gồm 400 lô đất biệt thự và nhà liền kề. Công ty có nhiều thuận lợi ở dự án này như có sẵn nguồn đất bồi đắp, có sẵn vật liệu xây dựng cho dự án. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng quy hoạch dự án và chưa có nhiều công trình nằm trong khu vực dự án. Công việc giải phóng mặt bằng sẽ không đơn giản, thời gian dự kiến hoàn thành dự án mất khoảng 5 năm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông Đỗ Văn Chiến về việc công ty có dự phòng về điểm rơi bán hàng khi thực hiện dự án không? Chủ toạ cho biết dự án triển khai trong vòng 5 năm và không chắc chắn thời điểm mà tuỳ thuộc vào thị trường.
Đối với dự án thuỷ điện Phước Hoà, cổ đông Lý Chủ Hưng cho rằng ngành nghề chính của LHC đang chậm lại. Việc góp vốn vào dự án Phước Hoà vừa qua không như mong muốn ban đầu của cổ đông. Định hướng sắp tới của Công ty như thế nào?
Chủ toạ cho biết đây là dự án nhỏ. Dự án này có trước khi Công ty triển khai đầu tư góp vốn. Đây là dự án kết hợp giữa công trình thuỷ lợi và thuỷ điện. Do thời gian giải quyết khiếu nại đất nên làm chậm việc góp vốn vào dự án. Hiện LHC là tổng thầu toàn bộ dự án 300 tỷ đồng. Phần vốn chưa góp vào dự án Phước Hoà Công ty đã chuyển sang đầu tư vào Công ty 40. Hiện Công ty đang đầu tư vào nhà máy thuỷ điện khác, khoảng 1.000 tỷ đồng. Số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Trước sự quan ngại đối với vấn đề môi trường của các dự án thuỷ điện. Chủ toạ đoàn cho biết, bản chất đầu tư thuỷ điện không gây ra lũ lụt. Việc nhà máy gây ra lũ lụt là xử lý sai. Khi xử lý và vận hành đúng sẽ cắt lỹ. Các tỉnh Bắc bộ đang nhờ các nhà máy Thuỷ điện để cắt lũ và nuôi sống đồng bằng sông Hồng.
Đối với điện gió và năng lượng mặt trời. Cổ đông Đỗ Văn Chiến cho rằng công ty đang đầu tư dự án năng lượng mặt trời 100 MW. Chi phí và diện tích thấp hơn chi phí đầu tư thuỷ điện. Hiệu suất thu hồi vốn nhanh. Công ty có thể nghiên cứu phương án mời nhà đầu tư NN góp vốn.
Theo Chủ toạ đoàn, thường khi so sánh chi phí đầu tư là tính bằng MW nhưng khi bán điện tính theo lượng điện năng kw/giờ. Đối với điện mặt trời thì bộ phận quan trọng là pin nhưng pin thường có độ bền thấp và nhanh chóng lỗi thời do công nghệ sản xuất vật liệu này thay đổi nhanh chóng. Điều đó hạn chế sức hút khi kêu gọi đầu tư.
Kế hoạch tăng vốn không được thông qua
Đối với kế hoạch phát hành tăng vốn, cổ đông cũng đặt ra vấn đề nên làm sao tránh thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẻ không mua?
Ông Hầu Văn Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT LHC cho rằng: “Giá bán trên giá trị sổ sách chứ không dưới giá trị sổ sách, tuỳ vào thị trường. HĐQT cam kết sẽ xử lý làm hài lòng cổ đông. Nếu cổ đông không hài lòng, HĐQT sẽ đền bù.”
Cổ đông cũng lo ngại giá trị sổ sách hiện nay 50.000 đồng/cp, thậm chí giá trị thực có thể lên đến 70.000 đồng/cp. Làm cách nào để cân bằng quyền lợi cho cổ đông để không thiệt hại? Một số cổ đông không đủ tiền để mua cổ phần phát hành thêm thì sao?
Việc này nói là thiệt hai theo ông Huấn là chưa đúng. “Giá trị thiệt hại chỉ mang tính trừu tượng bởi kho Công ty phát triển lớn lên, nếu cổ đông có tiền thì đầu tư tiếp dê nắm giữ tỷ lệ sở hữu. Nếu không ó tiền thì là cơ hội cho các NĐT khác đầu tư vào. Cổ đông có nhiều phương án để xử lý phần cổ phiếu phát hành thêm.
Muốn cổ phiếu có thanh khoản tốt cần phát hành thêm cổ phiếu để hút nhà đầu tư mới. Theo lộ trình đến năm 2019, LHC sẽ sáp nhập Công ty 40. Khi đó cổ phiếu sẽ tăng lên khoảng 20 triệu. Lúc đó thanh khoản sẽ tăng.”
Dù vậy, cổ đông Lý Chủ Hưng cũng tỏ ra lo lắng khi chưa thực sự hiểu rõ kế hoạch đầu tư và đánh giá còn nhiều rủi ro nên chưa quyết định phương án tăng vốn. Theo đó, cả 2 tờ trình theo 2 phương án tăng vốn điều lệ năm 2017 của LHC đều không được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Cụ thể, chỉ với 57,62% số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành và 43,24% phiếu biểu quyết trên tổng số 100% không tán thành biểu quyết tăng vốn điều lệ. ĐHĐCĐ không thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2017 theo tờ trình số 160/TT-HĐQT ngày 25/11/2017. Nội dung tăng vốn theo tờ trình số 168/TT-HĐQT ngày 04/12/2017 cũng không được thông qua khi số phiếu tán thành chỉ đạt mức 60,59% trên tổng số 100%.