Gia tài của David Rubenstein đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009. Giá trị ròng của Jamie Dimon đã tăng gấp ba lần. Trong khi đó, gia sản của Stephen Schwarzman đã tăng gấp sáu lần.
Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh kinh tế chính trị rối ren suốt một thập kỷ qua, từ sự kiện Lehman Brothers tới Brexit hay ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Theo phân tích của Bloomberg, tài sản của nhiều nhân vật tham gia Davos 2009 đã tăng thêm 175 tỉ USD dù tăng trưởng hộ gia đình trung bình tại Mỹ đã chậm lại.
Thông tin này cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa những người sở hữu 0,1% nền kinh tế toàn cầu và những người còn lại. Dữ liệu từ UBS và PwC Billionaires Insights cho thấy tài sản của tỷ phú toàn cầu đã tăng từ 3,4 nghìn tỉ USD vào năm 2009 lên 8,9 nghìn tỉ USD vào năm 2017.
Biện pháp xử lý khủng hoảng tài chính của các ngân hàng trung ương, bao gồm giảm lãi suất ngân hàng và áp dụng các chương trình mua trái phiếu, đã đẩy giá cổ phiếu và nhiều loại tài sản khác lên cao, góp phần giúp khối tài sản trên tăng trưởng nhanh chóng.
Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Bank of America Corp, cho biết: "Mười năm trước, ở dưới đáy thị trường, những gì bạn muốn sở hữu là vốn và nếu bạn có vốn, bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình."
Điều đó cho thấy Những người con Davos, hầu hết là nam giới, đang sở hữu quyền lực và danh tiếng nhiều hơn bao giờ hết.
Trở lại WEF năm nay, Dimon mang theo một JPMorgan Chase & Co. lớn mạnh hơn với lợi nhuận cao kỷ lục. Schwarzman đặc trưng với trang phục áo bành tô nâu và vét đã biến Tập đoàn Blackstone LP trở thành nhà quản lý tài sản thay thế lớn nhất thế giới với giá trị tài sản tính đến 30/9 là 457 tỉ USD.
Những nhân vật còn lại tại Davos năm nay không chỉ giàu có, mà còn nổi tiếng. Diễn đàn với nội dung Toàn cầu hóa 4.0 được dự đoán sẽ có 3.000 người tham dự. Năm nay, George Soros sẽ chủ trì và phát biểu tại tiệc tối; trong khi đó, JPMorgan của Dimon sẽ tổ chức một bữa tiệc cocktail. Bill Gates và Rubenstein, tỷ phú đồng sáng lập Tập đoàn Carlyle, sẽ lại làm diễn giả trong diễn đàn năm nay. Rebenstein từng chủ trì một chương trình trên Bloomberg Television, hiện khối tài sản của ông đã tăng gấp đôi so với mười năm trước.
Sự thành công của các tỷ phú là ngoài mong đợi vào một thập kỷ trước bởi khi đó diễn đàn còn ngập chìm trong lo sợ, phẫn nộ và cay đắng. Tại Davos 2009, Kenneth Rogoff từng phát biểu: "Những người tôi nói chuyện cùng đều bảo rằng đó là Davos kỳ dị nhất họ từng tham dự. Không khí vô cùng nặng nề."
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những nhân vật tham dự WEF năm nay có vô vàn lý do để ăn mừng. Những nhà kinh doanh và tài chính hưởng không ít lợi ích từ thị trường tăng điểm dài nhất trong lịch sử. Ngoài ra, giai đoạn đồng USD giảm giá cùng động thái giảm thuế tại Mỹ càng giúp tài sản của họ tăng lên.
Những báo cáo và nghị trình trong cuộc họp cũng liên tục nhấn mạnh sự bất bình đẳng là một trong những nguy cơ chủ yếu đe dọa sự ổn định của xã hội và đẩy nhanh quá trình phân chia nền kinh tế thế giới.
Anand Giridharadas, tác giả cuốn sách ‘Winner Takes All: The Elite Charade of Changing the World’ (Kẻ thắng cuộc có tất cả: Cuộc diễu hành ưu tú thay đổi thế giới), cho biết: "Khủng hoảng tài chính là một sự kiện xáo trộn tất cả, nhưng nó không xảy ra vào 10 năm trước. Với hiện tượng đầu cơ tương tự gây ra khủng hoảng năm đó, thiệt hại chắc chắn được xã hội hoá."
Với những đối tượng nắm giữ ít hoặc không nắm giữ tài sản, đây hẳn là một thập kỷ đầy khó khan. Tiền lương trì trệ, và dù thị trường chứng khoán tăng điểm, rất ít người Mỹ trưởng thành đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Theo báo cáo từ Viện Chính sách Kinh tế trong năm 2018, tiền bồi thường cho ban điều hành của các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ hiện gấp 312 lần mức lương trung bình hằng năm của một công nhân thông thường. Trong khi đó, vào các năm 2009, 1989 và 1956, mức chênh lệch lần lượt là 200 lần, 58 lần và 20 lần.
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán gần đây cho thấy những nhân vật tham dự WEF năm nay có thể sẽ có những hồi tưởng tiêu cực về năm 2009. Năm 2018 là một năm tồi tệ với cổ phiếu Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính; trong khi đó, tới cuối năm, giá dầu tiếp tục mắc kẹt trong vũng lầy giảm giá thấp kỷ lục theo quý kể từ năm 2014. Và còn có rất nhiều nguy cơ khác có thể nảy sinh trong năm nay, ví dụ như Anh rời EU hay đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cũng như cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội về ngân sách.
Có lẽ sự thịnh vượng của Davos đã chạm đỉnh. Theo Hartnett, xu hướng sắp tới sẽ dịch chuyển theo hướng tầng lớp công nhân Mỹ sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn khi các ngân hàng trung ương hủy bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ, các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy sẽ dành chiến thắng khi bỏ phiếu và chủ nghĩa dân tộc lên ngôi.