Các đơn vị quản lý tài sản của Morgan Stanley và Bank of America đã ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong quý II vừa qua. Sự khởi sắc đến từ việc các khách hàng có lợi thế đi vay thế chấp và các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản như danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, giám đốc điều hành các bộ phận cho biết.
Morgan Stanley tiết lộ, đối với bộ phận quản lý tài sản của giới nhà giàu, các khoản vay thế chấp đã tăng 30% so với 1 năm trước đó lên 50 tỷ USD. Còn các khoản vay được đảm bảo bằng chứng khoán và các khoản vay khác tăng 23% lên 93 tỷ USD. Tại Bank of America, các khoản vay của bộ phận quản lý tài sản tăng 12% so với năm ngoái lên 222 tỷ USD, vượt xa mức tăng 4% của bộ phận cho vay tiêu dùng.
Đà tăng trưởng ấn tượng này là một dấu hiệu khác cho thấy người tiêu dùng Mỹ - nhóm giàu có hơn, không hề chùn bước trong bối cảnh rủi ro suy thoái đang cận kề. Trong các buổi công bố báo cáo tài chính vào tháng này, lãnh đạo của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho biết khách hàng của họ vẫn chi tiêu ở mức ổn định và thanh toán đầy đủ các khoản nợ mà số dư tài khoản không bị cạn kiệt.
Mike Kosnitzky - đồng trưởng bộ phận tài chính tư nhân tại hãng luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman LLP, cho biết nhóm người giàu đang khai thác triệt để hạn mức tín dụng đảm bảo bằng chứng khoán để mua những tài sản "có vẻ có giá hời" trong thị trường đầy biến động ở thời điểm hiện tại.
Ông nói: "Biến động và thị trường sụt giảm là lúc người giàu kiếm tiền. Đây là thời điểm thích hợp để mua vào."
Trước đó, các gia đình giàu có đã tận dụng lãi suất thấp nhất trong 1 thập kỷ để tăng cường đi vay. Các khoản vay đã cung cấp cho họ khối tiền mặt lớn, giúp họ không phải bán bớt tài sản và chi trả những khoản thuế lớn.
Lãi suất tăng và thị trường chứng khoán giảm điểm là nguyên nhân các ngân hàng đang đưa ra những điều khoản vay ít hấp dẫn hơn trong thời gian gần đây, vì các nhà cho vay hạn chế họ tiếp xúc với một phần trong các khoản đầu tư.
Những người đi vay có danh mục đầu tư giảm giá trị có khả năng chỉ đủ điều kiện để nhận hạn mức vay thấp hơn. Và các khoản vay có lãi suất trôi nổi thường có liên quan đến các chỉ số ghi nhận đà tăng lớn từ đầu năm 2022 - khi Fed liên tục nâng lãi suất để chống lạm phát.
Tuy nhiên, các khoản vay vẫn "rẻ" hơn nhiều so với mức phí mà ngân hàng tính trên thẻ tín dụng. Tom Anderson - tư vấn viên cho các ngân hàng về hoạt động cho vay quản lý tài sản, cho biết lãi suất cho vay được đảm bảo bằng chứng khoán hiện thường ở khoảng 3,75% đến 5,75%, dù nhóm khách hàng giàu có nhất có thể cầm cố nhiều tài sản hơn để nhận lãi suất thấp hơn nữa.
Anderson nói: "Đối với những người có khả năng nhận những khoản vay đó, rõ ràng đó là một lợi thế và giúp họ có chi phí đi vay thấp nhất."
Trong thời kỳ đại dịch, nhóm giàu nhất nước Mỹ thậm chí còn giàu có hơn nhiều nhờ đà tăng bùng nổ của thị trường chứng khoán và bất động sản. Theo Moody’s Analytics, người Mỹ đã tiếp kiệm được thêm 2,7 nghìn tỷ USD từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021. 10% người có thu nhập cao nhất sở hữu hơn 10% số tiền trên.
Sử dụng khoản tiền này, một số đã gửi thêm tiền tiết kiệm vào các tài khoản môi giới mà họ có thể cầm cố để đi vay. Một số khác thì thanh toán khoản tiền trả trước cho các bất động sản mới, sau đó đi vay thêm từ các ngân hàng để thanh toán phần còn lại trước khi lãi suất tăng thêm. Giá nhà ở tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, nhưng lãi suất thế chấp tăng khiến doanh số bán nhà cũng chậm lại.
Andy Sieg - trưởng bộ phận quản lý tài sản của Merrill Lynch Bank of America, cho biết lý do khiến các khách hàng giàu có cầm cố danh mục để đi vay là để họ thanh toán hoá đơn thuế. Việc thu thuế thu nhập cá nhân đang được triển khai và chuẩn bị ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9.
Tham khảo WSJ