Trái với sự bùng nổ trong năm 2017, diễn biến giao dịch của hai "đại gia" ngành bia Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) trong năm nay không thực sự tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 6/8, thị giá SAB chỉ còn 199.000 đồng/cp, giảm gần 40% so với đỉnh và là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Trong khi đó, thị giá BHN chỉ còn 83.800 đồng/cp, giảm một nửa so với mức đỉnh được thiết lập đầu năm.
Diễn biến ảm đạm của SAB và HBN từ đầu năm tới nay
Diễn biến ảm đạm của 2 cổ phiếu đầu ngành bia thời gian qua bên cạnh sự điều chỉnh của thị trường chung còn có nguyên nhân đến từ hoạt động kinh doanh kém khởi sắc.
Theo báo cáo KQKD quý 2 mới được công bố, doanh thu Sabeco mặc dù tăng 12% lên 9.170 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% xuống 1.223 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận Sabeco cũng giảm 4% và chỉ đạt 2.337 tỷ đồng.
Còn với Habeco, doanh thu quý 2 của doanh nghiệp chỉ thậm chí còn giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2.912 tỷ đồng. Việc doanh thu quý vừa qua của Habeco giảm là điều khá đáng lo ngại khi mà quý 2 là cao điểm tiêu thụ bia, thậm chí năm nay ngành bia còn được hưởng lợi từ sự kiện Worldcup.
Thực tế, sự chững lại về doanh thu của Habeco không chỉ đến trong quý 2/2018 mà đã diễn ra trong 3 năm vừa qua (2015 – 2017) khi doanh thu mỗi năm chỉ quanh ngưỡng 9.800 tỷ đồng, trong khi các đối thủ như Heineken, Sabeco…vẫn đều đặn tăng trưởng. Con số này cho thấy thị phần Habeco đang bị "đe dọa" nghiêm trọng và là nguyên nhân không nhỏ khiến cổ phiếu giảm sâu.
Doanh thu Habeco chững lại trong những năm gần đây
"Game" thoái vốn ngành bia kết thúc
Trong giai đoạn cuối năm 2016 và năm 2017, động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu bia chủ yếu đến từ kỳ vọng thoái vốn Nhà nước với mức giá cao. SAB có thời điểm lên gần 350.000 đồng/cp vào cuối năm 2017 khi thương vụ bán hơn 53% vốn cho Vietnam Beverage (do ThaiBev gián tiếp sở hữu 49%) diễn ra thành công.
Việc thoái vốn Sabeco diễn ra thành công cũng khiến giới đầu tư đặt ra kỳ vọng thương vụ bán vốn Habeco sẽ sớm diễn ra. Điều này đã giúp cổ phiếu BHN có nhịp tăng giá mạnh và có thời điểm lên 170.000 đồng/cp.
Tại mức giá kể trên, P/E của Sabeco và Habeco đều trên 40 và nằm trong số những doanh nghiệp bia được định giá cao nhất Thế giới.
Tuy nhiên, sau thương vụ thoái vốn lịch sử, cổ phiếu SAB đã hết động lực để bứt phá và kể từ đầu năm tới nay liên tục sụt giảm. Còn với BHN, những vướng mắc điều khoản cam kết với cổ đông chiến lược Carlsberg khiến việc thoái vốn vẫn "dậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm qua. Do đó, sự kỳ vọng của giới đầu tư cũng dần giảm xuống và cổ phiếu bước vào quá trình điều chỉnh.
Xu hướng tiêu thụ bia không còn mạnh
Theo thống kê của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, lượng tiêu thụ bia năm 2017 của cả nước đã đạt hơn 4 tỉ lít, bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia trong năm. Với kết quả trên, Việt Nam đã trở thành một trong mười thị trường bia lớn nhất thế giới, xét về dung lượng bia tiêu thụ.
Tuy vậy, việc tiêu thụ bia quá mạnh trong những năm qua sẽ khiến dư địa tăng trưởng không còn quá nhiều. Trong khi đó, các loại đồ uống có cồn khác như rượu, rượu vang, nước lên men…đang dần được người tiêu dùng, giới trẻ đón nhận nhiều hơn.
Xu hướng tiêu thụ bia tại Mỹ đang giảm dần trong hơn 2 thập kỷ qua
Tại Mỹ, theo khảo sát của Gallup vào năm 2017 thì có 40% người được hỏi sẽ sử dụng đồ uống có cồn là bia, trong khi tỷ lệ sử dụng rượu vang là 30% và rượu là 26%. Trong khi đó, những năm 1990 thì tỷ lệ người được hỏi lựa chọn bia lên tới gần 50%, con số này ở rượu vang là 27%. Con số thống kê cho thấy trong những năm gần đây đang có xu hướng dịch chuyển đồ uống có cồn từ bia sang các loại đồ uống có cồn khác như rượu vang.